Bệ phóng cho công nghệ Việt Nam cất cánh

Việc khánh thành không gian đổi mới sáng tạo quốc gia là bước nhảy vọt về đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên hành trình trở thành “con hổ” mới của châu Á, cũng là nơi ươm mầm, tạo bệ phóng cho công nghệ Việt cất cánh.

Đại bản doanh của “đại bàng” công nghệ

“Chúng ta tin tưởng việc khánh thành cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc - tạo ra không gian đổi mới sáng tạo mới cho đất nước ta, thể hiện rõ nét tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển, trở thành hình mẫu đổi mới sáng tạo cho đất nước” - đây là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Lễ khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC Hoà Lạc ngày 28/10/2023.

be-phong-cho-cong-nghe-viet-nam-cat-canh-1707296720.PNG
NIC Hoà Lạc có thiết kế hình cánh chim đại bàng cất cánh, được kỳ vọng sẽ đón các “đại bàng” công nghệ về làm tổ (Ảnh: Hữu Thắng).

Lễ khánh thành NIC Hoà Lạc là sự kiện đánh dấu những thay đổi đáng kể trong công cuộc đổi mới sáng tạo của nước ta. Tổng kinh phí xây dựng cơ sở mới của NIC Hòa Lạc là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng không sử dụng ngân sách Nhà nước. Thay vào đó, là huy động các nguồn tài trợ, đóng góp từ doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư.

Nói về mô hình đặc biệt của NIC, chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, NIC Hoà Lạc có diện tích sàn gần 20.000m2, tọa lạc trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, gồm hai khối nhà làm việc và một khối nhà trung tâm. Nơi đây sẽ tập trung cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, hội thảo, diễn đàn, tạo không gian nghiên cứu phát triển, thúc đẩy giao lưu kết nối, chuyển giao công nghệ. 

Ông Huy cho hay, thời gian qua, NIC đã hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Amazon… để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. NIC cũng kết nối với các chuyên gia khoa học công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam dựa trên các nhu cầu thực tiễn trong nước nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thực hiện Chiến lược 4.0.

be-phong-cho-cong-nghe-viet-nam-cat-canh-2-1707296720.PNG
 Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Ảnh: Thế Đại).

“Mục tiêu và sứ mệnh của tòa nhà này là phát triển hệ sinh thái tầm cỡ khu vực và thế giới về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Hệ sinh thái ấy bao gồm các doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước, họ có thể lập các phòng nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như các văn phòng dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại đây”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, hệ sinh thái ấy cũng gồm các chủ thể khác như quỹ đầu tư, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước; các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo gồm các trung tâm đổi mới sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn, vườn ươm công nghệ…

“Bà đỡ” của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

Là một công ty start-up về an ninh mạng đang hoạt động trong không gian của NIC, chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, ông Vũ Thanh Thắng - Founder Công ty An ninh mạng thông minh SCS (đơn vị phát triển SafeGate) cho biết, việc thuê địa điểm với chi phí tối ưu là bài toán khó cho công ty.

Tuy nhiên, với sự quan tâm hỗ trợ của NIC, SafeGate đã chính thức tham gia vào không gian làm việc chung của NIC từ tháng 3/2022, nhờ đó công ty đã có một văn phòng làm việc với cơ sở vật chất rất hiện đại, tiện nghi.

Ông Thắng nói rằng, khi tham gia vào hệ sinh thái của NIC, các doanh nghiệp được hỗ trợ toàn diện về đổi mới sáng tạo. Ngoài không gian làm việc và các hỗ trợ về hạ tầng, cơ sở vật chất thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển, công ty cũng có cơ hội tham gia vào các hoạt động, chương trình hỗ trợ, sử dụng các dịch vụ tư vấn, đào tạo đặc biệt dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Sự hỗ trợ ban đầu đó đã giúp công ty tiết kiệm được một nửa chi phí hoạt động, giúp công ty có cơ hội được “bật lên” để phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Vũ Thanh Thắng nói.

Tham gia sâu hơn vào công nghệ bán dẫn

Tại Hội nghị cấp cao về công nghệ bán dẫn tháng 10/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công nghiệp bán dẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn của “làng” công nghệ nói chung, công nghiệp bán dẫn nói riêng, của Mỹ và của toàn cầu tại chuỗi các sự kiện khánh thành NIC Hoà Lạc đã khẳng định rằng, Việt Nam đang thực sự có những cơ hội to lớn vô cùng. Cả Google, Qualcomm, Nvidia, SpaceX, Intel, Synopsys, Cadence hay SK, Foxconn, Samsung… đều một lần nữa cho biết, họ thực sự quan tâm và mong muốn đầu tư lớn tại Việt Nam.

Theo Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy, chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Nếu không làm chủ được bán dẫn, chúng ta sẽ luôn đứng bên lề của công nghệ lõi. Và NIC quyết tâm theo đuổi sự kết nối trong lĩnh vực này.

Đây là nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao và cũng là cơ hội của NIC vì hiện nay, xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á.

Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống & Pháp luật số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT