Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên bảo lãnh khoản vay cho Bệnh viện TNH Lạng Sơn

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên dùng toàn bộ gần 27,5 triệu cổ phần sở hữu tại Bệnh viện TNH Lạng Sơn để bảo lãnh khoản vay cho doanh công ty con này vay vốn tại ngân hàng.

HĐQT CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (MCK: TNH) mới thông qua việc bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán, trả nợ của CTCP Bệnh viện TNH Lạng Sơn tại Ngân hàng TMCP Quân đội – CN Thái Nguyên theo hợp đồng thế chấp đã ký trong quá trình triển khai thực hiện dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn. Tuy nhiên, hạn mức và các điều khoản khác của khoản vay không được tiết lộ.

Tài sản đảm bảo là 27.462.500 cổ phần của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tại CTCP Bệnh viện TNH Lạng Sơn, chiểm tỷ lệ 84,5% vốn điều lệ, tương ứng 274,625 tỷ đồng. Đây là cổ phần không bị hạn chế chuyển nhượng/tham gia giao dịch bảo đảm.

benh-vien-quoc-te-thai-nguyen-bao-lanh-khoan-vay-cho-benh-vien-tnh-lang-son-antt-1716521379.jpg
TTND.BSCC Lê Xuân Tân - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TNH phát biểu tại lễ khởi công Bệnh viện TNH Lạng Sơn. Ảnh: TNH.

Theo tìm hiểu, dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn nằm tại khu đất Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ), khối 10, đường Nhị Thanh, phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; tổng diện tích dự án là 9.343,46 m2. Trong đó, dự án được khởi công xây dựng ngày 29/2/2024, thiết kế 10 tầng đáp ứng quy mô dự kiến 300 giường bệnh.

Ở diễn biến khác, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên dự kiến chào bán hơn 15,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền gần 100:13,8, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền, có 100 quyền mua sẽ được mua gần 13,8 cổ phiếu mới.

Giá chào bán cổ phiếu phát hành thêm là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với giá thị trường đang giao dịch tính tới ngày 23/5 là 21.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng thấp hơn 52,4% so với giá thị trường.

Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cho biết thêm thời gian thực hiện phát hành thêm cổ phiếu là sau khi được Đại hội đồng cổ đông thông qua và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán ra công chúng, dự kiến trong năm 2024.

Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là hơn 152 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cho biết sẽ dùng hơn 92 tỷ đồng để trả nợ vay các cá nhân, 20 tỷ đồng trả nợ vay các tổ chức tín dụng và 40 tỷ đồng sẽ bổ sung vốn lưu động (số tiền bổ sung vốn lưu động được phân bổ bao gồm 30 tỷ đồng thanh toán tiền mua hàng hóa, thuốc, vật tư, hóa chất; và 10 tỷ đồng trả lương cán bộ nhân viên).

Xét về hoạt động kinh doanh, quý I/2024, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên ghi nhận doanh thu đạt gần 92,5 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước;  lợi nhuận sau thuế giảm hơn 39% , về còn 14,9 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên gần như đi ngang so với đầu năm, đạt hơn 2.131 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng giảm mạnh 59,41% xuống còn 81,7 tỷ đồng; trong khi chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 25,42% so với đầu năm, lên 543,3 tỷ đồng, chủ yếu đến từ dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Việt Yên tại Bắc Giang tăng từ 384,82 tỷ đồng lên hơn 487 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tại thời điểm cuối quý đầu năm 2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên tăng 16,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 62,9 tỷ đồng, lên 442,9 tỷ đồng và bằng 26,6% vốn chủ sở hữu (đầu năm tổng dư nợ là 380 tỷ đồng và bằng 22% vốn chủ sở hữu).

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT