Bhutan phải chuyển đổi sang chiến lược 'hạnh phúc 2.0' vì 1/8 dân số sống trong nghèo đói

Bhutan đang xây dựng chiến lược hạnh phúc 2.0 khi coi trọng hơn câu chuyện phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và kiếm tiền thay vì chỉ hài lòng với những gì đã có như trước đây.

Bhutan phải chuyển đổi sang chiến lược 'hạnh phúc 2.0' vì 1/8 dân số sống trong nghèo đói- Ảnh 1.

Bhutan là nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới không coi tổng sản lượng quốc gia (GDP) là quan trọng nhất mà thay vào đó là chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia (GNH). Người dân cũng được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới khi hài lòng với những thứ mình có.

Bhutan phải chuyển đổi sang chiến lược 'hạnh phúc 2.0' vì 1/8 dân số sống trong nghèo đói- Ảnh 2.

Tuy nhiên vấn đề kinh tế của Bhutan đang ngày càng nghiêm trọng khi hãng tin CNBC cho hay ngành du lịch chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng lên gần 30% và 1/8 dân số sống trong cảnh nghèo đói.

Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) thì cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bhutan không đổi quanh mức 1,7% suốt 5 năm qua do chính phủ không đặt quá nặng việc nâng cao tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá.

Bởi vậy sau cuộc bầu cử quốc hội đầu năm 2024, Bhutan đã buộc phải có những thay đổi.

Hạnh phúc 2.0

Chỉ số GNH đã được Cựu quốc vương Jigme Singye Wangchuck giới thiệu từ đầu thập niên 1970 và vẫn được áp dụng tại Bhutan cho đến tận ngày nay.

Tuy nhiên với tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân nghèo đói hơn, chính phủ Bhutan đang phải thay đổi chiến lược lên GNH 2.0 nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế và chỉ số hạnh phúc.

"Bhutan đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng kinh tế khiến quốc gia đứng trên bờ vực nguy hiểm", Tân Thủ tướng mới đắc cử của Bhutan, ông Tshering Tobgay thừa nhận.

"Chúng tôi đã quá bảo thủ nên bị tụt lại phía sau, thất bại về mặt kinh tế", Thủ tướng Tobgay nói thêm.

Bhutan phải chuyển đổi sang chiến lược 'hạnh phúc 2.0' vì 1/8 dân số sống trong nghèo đói- Ảnh 3.

Tân Thủ tướng BhutanTshering Tobgay

Theo Thủ tướng Tobgay, Bhutan sẽ phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng cũng không quên gìn giữ những giá trị về hạnh phúc trước đây.

"Chúng tôi có thể tăng trưởng cân bằng cùng với hạnh phúc", Thủ tướng Tobgay cho biết.

Cụ thể, Bhutan đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi kèm bảo vệ môi trường, giữ vững an sinh xã hội cũng như bảo tồn văn hóa. Quốc gia này sẽ không phát triển du lịch theo hướng phá hoại thiên nhiên hay cảnh quan.

Theo CNBC, ngành du lịch của Bhutan đang phục hồi chậm hơn so với các nền kinh tế Châu Á khác. Tổng lượng khách du lịch đến quốc gia này năm 2023 chỉ bằng 1/3 so với năm 2019 trước đại dịch Covid-19.

Quốc gia nổi tiếng là hạnh phúc nhất thế giới này đã phải 3 lần thay đổi "Phí phát triển bền vững", một loại thuế đối với du khách đến du lịch ở Bhutan. Ban đầu nước này nâng loại phí này lên 200 USD/người khi mở cửa trở lại vào tháng 9/2022, vấp phải nhiều tranh cãi để rồi sau đó giảm liên tiếp 2 lần vì quá ít du khách ghé thăm.

Bất chấp điều đó, Thủ tướng Tobgay cho biết ngành du lịch Bhutan vẫn tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, không chạy theo đồng tiền mà phá hoại môi trường cùng bản sắc văn hóa.

Bhutan phải chuyển đổi sang chiến lược 'hạnh phúc 2.0' vì 1/8 dân số sống trong nghèo đói- Ảnh 4.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho hay hàng nghìn thanh thiếu niên Bhutan đã bỏ ra nước ngoài để xuất khẩu lao động hoặc kiếm việc làm trong bối cảnh thất nghiệp cao ở nội địa.

Số liệu 11 tháng tính đến tháng 5/2023 cho thấy 1,5% dân số Bhutan đã xuất khẩu lao động đến Australia để tìm việc làm, chưa kể đến những thị trường khác.

Bản sắc văn hóa

Trước đây Bhutan nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới khi không đặt quá nặng vấn đề phát triển kinh tế lên hàng đầu. Người dân ở đất nước xinh đẹp này sống rất đơn giản, thuận theo tự nhiên và ai cũng thấy mình luôn hạnh phúc.

Kể từ thập niên 1970, các nhà lãnh đạo Bhutan đã bắt đầu ưu tiên hạnh phúc của người dân hơn tăng trưởng kinh tế và chỉ số GNH ra đời nhằm đối phó tình trạng hiện đại hóa nhanh chóng làm xói mòn các giá trị truyền thống.

Chỉ số GNH bao gồm 9 lĩnh vực: Phúc lợi tâm lý, mức sống, quản trị tốt, sức khỏe sức sống cộng đồng, đa dạng văn hóa, sử dụng thời gian và khả năng phục hồi sinh thái.

Để đạt các mục tiêu hạnh phúc này, toàn bộ chi phí cơ bản như y tế, giáo dục... đều được miễn phí ở Bhutan.

Song song với đó, chính phủ rất coi trọng việc bảo tồn sự đa dạng của các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Một trong số đó là bảo tồn môi trường khi Bhutan là nước có độ phủ rừng lên đến 72%, thuộc hàng xanh nhất thế giới bất chấp việc phát triển du lịch.

Bhutan phải chuyển đổi sang chiến lược 'hạnh phúc 2.0' vì 1/8 dân số sống trong nghèo đói- Ảnh 5.

Xã hội của Bhutan cũng được xây dựng dựa trên ý thức cộng đồng và sự gắn kết xã hội mạnh mẽ. Người dân yêu chuộng hòa bình, kỷ luật bất chấp tầng lớp. Chính sự gắn kết này khiến mọi người tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, lao động công ích, tạo nên sự đoàn kết, kết nối và cảm giác được coi trọng ở từng cá nhân.

Một yếu tố nữa khiến Bhutan được xếp hạng là một trong những nước hạnh phúc nhất thế giới nằm ở niềm tin Phật giáo. Quan điểm theo đuổi bình an, không cạnh tranh, sân si hay thậm chí nghĩ làm điều gì xấu với người khác đã ăn sâu vào tiềm thức người dân.

Phần lớn người Bhutan cho rằng nếu sống đẹp thì kiếp sau sẽ viên mãn, khiến họ luôn cố gắng trở thành người có ích, làm điều tốt.

Tuy nhiên liệu khó khăn kinh tế có làm mất những giá trị bản sắc văn hóa này đi hay không vẫn còn là một câu hỏi chờ lời giải đáp.

*Nguồn: Tổng hợp

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT