Bi hài chuyện nước Mỹ thiếu điện: Tư nhân hóa ngành năng lượng để rồi nhìn cơ sở hạ tầng thành đồ cổ, đầu tư nghìn tỷ USD chạy đua công nghệ có nguy cơ đổ bể

Dù là nền kinh tế số 1 thế giới nhưng cơ sở hạ tầng của Mỹ lại đang xuống cấp nghiêm trọng sau hàng chục năm xây dựng. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp điện chỉ quan tâm đến lợi nhuận, trong khi hành chính cồng kềnh khiến mạng lưới điện không được quan tâm trùng tu sau nhiều năm.

Bi hài Mỹ thiếu điện: Tư nhân hóa ngành năng lượng để rồi nhìn cơ sở hạ tầng thành đồ cổ hàng chục năm tuổi, đầu tư nghìn tỷ USD chạy đua công nghệ có nguy cơ đổ bể - Ảnh 1.

Tờ Fortune cho hay trong cuộc đua công nghệ hiện nay, từ năng lượng tái tạo cho đến xe điện hay trí thông minh nhân tạo (AI) cũng đều cần điện năng.

Muốn xây nhà máy chip, phát triển ngành bán dẫn hay làm gì đi chăng nữa thì mức cung ứng điện năng phải đủ.

Trớ trêu thay, nền kinh tế Mỹ lại đang gặp khó khăn với chính cơ sở hạ tầng năng lượng khiến tiêu chuẩn tối thiểu nhất là cung ứng đủ điện năng cho các nhà máy cũng là một dấu hỏi.

Việc thiếu điện năng này được cho là thách thức rất lớn với Mỹ trong cuộc đua công nghệ khi đã đổ hàng nghìn tỷ USD xây dựng các nhà máy nhưng cơ sở hạ tầng lại đang là đồ cổ hàng chục năm tuổi.

50 năm vẫn chạy tiếp

Theo Fortune, hệ thống lưới điện hơn 800.000 km của Mỹ với hàng nghìn trạm phát điện đã tồn tại nửa nửa thế kỷ mà chưa có được một lần đại tu hay đổi mới với quy mô lớn nào. Mạng lưới này đang được 10 nhà điều hành độc lập quản lý với sự chồng chéo chức năng.

Một số nhà điều hành phối hợp với nhau nhưng một số khác thì không vì thuộc các cấp thẩm quyền khác nhau, từ hành chính liên bang, bang cho đến cấp địa phương.

Chính sự chồng chéo này khiến mạng lưới điện ở Mỹ hầu như không được thay mới quy mô lớn và chắc chắn không đủ để đáp ứng nhu cầu điện hiện nay chứ chưa nói đến tham vọng xây nhà máy chạy đua công nghệ trong tương lai.

Đó là chưa kể đến việc tư nhân hóa ngành điện khiến doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, từ chối phối hợp giúp đỡ các vùng thiếu điện hay phát triển mạng lưới ở nơi hẻo lánh, áp đặt giá điện bất hợp lý để kiếm lời, khiến mạng lưới điện của Mỹ suốt nhiều năm chưa được trùng tu diện rộng để có thể đáp ứng tình hình mới.

Bi hài Mỹ thiếu điện: Tư nhân hóa ngành năng lượng để rồi nhìn cơ sở hạ tầng thành đồ cổ hàng chục năm tuổi, đầu tư nghìn tỷ USD chạy đua công nghệ có nguy cơ đổ bể - Ảnh 3.

"Chúng ta sắp chứng kiến nhu cầu điện năng tăng đột biến và cần thêm nhiều trạm truyền tải, biến áp. Thế nhưng điều này lại quá khó để thực hiện", Cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) Neil Chatterjee ngán ngẩm nói.

Trong khi Nhà Trắng đổ hơn 500 tỷ USD cho phát triển năng lượng sạch, điện mặt trời, điện gió...suốt 3 năm qua thì số tiền ngân sách cho mạng lưới điện lại quá ít.

"Phần lớn cơ sở hạ tầng truyền tải điện của Mỹ đã quá cũ, có tuổi đời 50-60 năm. Điều này tạo nên những thách thức trong việc chuyển đổi năng lượng", Phó giám đốc Romany Webb của Trung tâm biến đổi khí hậu Sabin ngậm ngùi thừa nhận.

Nước Mỹ có hơn 10.000 nhà máy điện trên cả nước nhưng hầu hết chúng đều không nằm gần khu dân cư hay các nhà máy. Bởi vậy mạng lưới truyền tải điện là điều cực kỳ trọng yếu cho nền kinh tế.

Trớ trêu thay việc đầu tư cho mạng lưới điện lại nghe không "hoành tráng" bằng các dự án năng lượng, dù việc sản xuất điện ra vẫn cần hệ thống để truyền tải đến các nhà máy. Hậu quả là ngân sách chi quá nhiều cho phát triển dự án năng lượng nhưng lại chẳng rót nhiều tiền nâng cấp mạng lưới truyền tải.

Tồi tệ hơn, diện tích quá lớn của nước Mỹ khiến việc điều hành, phân phối điện qua mạng lưới chồng chéo trở nên khó khăn. Dù có 10 nhà điều hành mạng lưới điện trên cả nước nhưng không phải lúc nào họ cũng phối hợp với nhau do liên quan đến lợi ích khu vực.

Bi hài Mỹ thiếu điện: Tư nhân hóa ngành năng lượng để rồi nhìn cơ sở hạ tầng thành đồ cổ hàng chục năm tuổi, đầu tư nghìn tỷ USD chạy đua công nghệ có nguy cơ đổ bể - Ảnh 4.

Ví dụ vào tháng 2/2021, mùa đông khắc nghiệt khiến lưới điện của bang Texas thiếu năng lượng trầm trọng nhưng chẳng thể mượn điện của bất kỳ nhà phân phối nào, dẫn đến mất điện trên diện rộng và thiệt hại gần 200 tỷ USD tài sản.

Rất rõ ràng, các nhà cung ứng điện tư nhân chẳng đời nào cho mượn điện khi không có lời, cho dù điều này có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất hay sinh hoạt của người dân.

"Tôi đã nghiên cứu các chính sách từ năm 2003 và trong hơn 20 năm qua đã chứng kiến FERC phải nhượng bộ trước nhiều thách thức", ông Chatterjee cho hay.

Mặc dù ai cũng hiểu nâng cấp mạng lưới điện 50 năm tuổi là điều bắt buộc trong cuộc đua công nghệ, nhưng chúng lại đụng đến quá nhiều nhóm lợi ích khi ngành này được tư nhân hóa. Sự cạnh tranh của các công ty điện lực, lợi ích của chủ đất, các nhà điều hành từ địa phương đến liên bang khiến những dự án nâng cấp mạng lưới truyền tải điện bị mắc kẹt suốt hàng chục năm qua.

Khát điện

Số liệu của Climate Central cho thấy trong khoảng 2009-2023, Mỹ đã chứng kiến số lần mất điện do thời tiết tăng gấp đôi với khoảng 80% số vụ mất điện là do thời tiết tác động đến mạng lưới truyền tải, qua đó cho thấy sự lỗi thời của cơ sở hạ tầng.

Bi hài Mỹ thiếu điện: Tư nhân hóa ngành năng lượng để rồi nhìn cơ sở hạ tầng thành đồ cổ hàng chục năm tuổi, đầu tư nghìn tỷ USD chạy đua công nghệ có nguy cơ đổ bể - Ảnh 5.

Báo cáo của Liên đoàn điện lực Bắc Mỹ (NAERC) ước tính hơn 300 triệu người ở khu vực này sẽ bị thiếu điện trong năm 2024 do nhu cầu năng lượng đang bùng nổ mạnh nhất 5 năm qua.

Ủy ban FERC thì ước tính Mỹ sẽ cần xây mới thêm 34 nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm tới để đáp ứng cuộc đua công nghệ hiện nay.

Tờ The Guardian cho hay nhà máy điện Georgia Power đã phải nâng nhu cầu điện năng dự kiến của bang này lên gấp 17 lần trong năm nay và đang phải tích cực đốt thêm khí đốt để sản xuất năng lượng.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT), các trung tâm dữ liệu, trung tâm phát triển AI hay các nhà máy sản xuất bán dẫn, việc người tiêu dùng online nhiều hơn...đều đang khiến nhu cầu điện năng tại Mỹ tăng vọt.

Năm 2022, các trung tâm dữ liệu đã dùng đến hơn 4% tổng sản lượng điện toàn nước Mỹ. Số liệu của Viện EPRI cho thấy trong nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, các công ty đã công bố hơn 155 dự án nhà máy, mức tăng trưởng chưa từng có kể từ đầu thập niên 1990 và chắc chắn ngành điện nước này đang chịu áp lực vô cùng lớn.

Thế nhưng việc tự do hóa thị trường ngành điện lại đang đẩy Mỹ vào thế khó khi doanh nghiệp từ chối hy sinh lợi nhuận vì lợi ích chung.

Năm 2013, độ dài lưới điện mới tại Mỹ chỉ đạt chưa đến 6.437km thì đến năm 2023 con số này là 1.609km.

"Chúng tôi chưa từng phải chứng kiến tình trạng thiếu điện như thế này trong cả một thế hệ", chuyên gia Arne Olson của hãng tư vấn EEE về năng lượng tổng kết.

*Nguồn: Fortune, Washington Post, The Guardian

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT