Bị hại trong vụ ROS: Người đề nghị ông Trịnh Văn Quyết mua lại cổ phiếu, người xin cho bị cáo sớm về giải quyết hậu quả

Tại phiên toà, nhiều bị hại mong muốn HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Trong phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán diễn ra sáng ngày 24/7, sau khi luật sư hoàn tất xét hỏi với các bị cáo, HĐXX tiếp tục lấy ý kiến những người bị hại và người có liên quan.

Tại buổi làm việc, nhà đầu tư Vũ Xuân Hoà (Hà Nội) cho biết, ông mua cổ phiếu ROS trong giai đoạn năm 2018-2019 và hiện vẫn đang nắm giữ 1.300 cổ phiếu ROS. 

Ông cho biết không quen biết bị cáo Trịnh Văn Quyết và những người liên quan, mục đích mua cổ phiếu là để đầu tư và gia tăng dần tỷ trọng cổ phiếu.

"Hiện cổ phiếu tôi đang nắm giữ vẫn chưa có thiệt hại. Tôi có mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với ông Trịnh Văn Quyết, để anh về tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, cổ phiếu ROS tiếp tục được giao dịch trên sàn chứng khoán", ông Hoà nêu ý kiến.

Cũng đưa ra ý kiến tại phiên toà, ông Võ Tây Nguyên (TP. Hồ Chí Minh) mua và nắm giữ 200 nghìn cổ phiếu ROS từ năm 2022. Ông Nguyên cho rằng cổ đông của FLC rất mệt mỏi vì đã ba năm không được giao dịch chứng khoán và mong muốn được bồi thường thiệt hại thoả đáng.

Nhà đầu tư Lưu Quang Hưng (Hà Nội) đang sở hữu 150 nghìn cổ phiếu ROS kể từ năm 2019-2020 cho biết bản thân chỉ được xác định là người liên quan đến vụ án, nhưng thực chất là người bị hại. 

"Hiện cổ phiếu đã bị huỷ niêm yết và chúng tôi là người chịu thiệt hại. Do đó, tôi mong muốn HĐXX xác định lại, coi tất cả những cổ đông và người đang nắm giữ cổ phiếu ROS là bị hại", ông Hưng trình bày.

Thêm vào đó, cá nhân ông mong muốn ông Trịnh Văn Quyết dùng tài sản mua lại cổ phần ROS với những người đã mua và đang bị "mắc kẹt".

Tương tự, ông Lê Ngọc Nông (Đà Nẵng) trình bày, bản thân vừa là bị hại, vừa là người liên quan. Ông mua mã cổ phiếu ROS trong giai đoạn 2017-2022. Số cổ phiếu ông Nông còn nắm giữ hiện nay là hơn 667.000 cổ phiếu. Ông Nông đề nghị HĐXX trả lại quyền lợi công bằng cho nhà đầu tư và mong muốn nhận lại tiền bỏ ra, được lấy lại cả vật chất lẫn cả tinh thần.

Một nhà đầu tư khác sở hữu sở hữu cổ phiếu ROS mong muốn HĐXX sớm giải quyết vụ án. "Tôi mong HĐXX để ông Trịnh Văn Quyết về khắc phục hậu quả, vì tôi nghĩ rằng anh Quyết sẽ giải quyết nhanh và hiệu quả nhất", người này bày tỏ mong muốn.

Trong phiên xét xử diễn ra vào ngày 23/7, bị cáo Trịnh Văn Quyết khẳng định trong trường hợp HĐXX tuyên án phải khắc phục số tiền trên sẽ dùng toàn bộ tài sản cá nhân đang bị phong toả để khắc phục hậu quả. Trịnh Văn Quyết cũng tiết lộ số tài sản "đóng băng" ước tính gần 5.000 tỷ đồng và đây là toàn bộ tài sản tích luỹ trong hơn 20 năm lập nghiệp của bị cáo.

Khi luật sư hỏi về phương án xử lý nếu bán toàn bộ tài sản vẫn không đủ khắc phục hậu quả, bị cáo Quyết cho biết sẽ tìm mọi cách. Hiện bị cáo mới được tạo điều kiện để bán "đứa con tâm huyết nhất" là hãng hàng không Bamboo Airways với số tiền thu được gần 200 tỷ đồng đã được gia đình khắc phục, 500 tỷ đồng tiếp theo sẽ được chuyển tiếp vào tài khoản cơ quan chức năng khi được đối tác thanh toán. Bị cáo cũng cho biết đã đề nghị bán cổ phần FLC để khắc phục hậu quả nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Mới đây nhất, Lê Thị Ngọc Diệp - vợ ông Trịnh Văn Quyết đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 25,1 tỷ đồng, nâng tổng số tiền khắc phục hậu quả lên hơn 235 tỷ đồng.

Minh Châu

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT