Bí mật sau đế chế Starbucks: Ngân hàng ‘đội lốt’ quán cà phê, khách hàng tự nguyện ‘gửi’ 1-2 tỷ USD với lãi suất 0%
Tờ WSJ nhận định Starbucks nếu là ngân hàng thì sẽ xếp hạng 385/4.236 tại Mỹ với tổng tiền gửi 2,4 tỷ USD. Đặc biệt là người gửi chấp nhận lãi suất 0% và chỉ được rút bằng...cà phê.
Tờ Medium cho hay nếu McDonald’s khiến cả thế giới trầm trồ về mô hình kinh doanh bất động sản đội lốt chuỗi đồ ăn nhanh thì Starbucks cũng đang âm thầm hoạt động theo kiểu ngân hàng mà chẳng ai hay.
Cụ thể với chương trình thẻ thành viên Starbucks Rewards của mình, chuỗi cửa hàng cà phê này đã thu một lượng lớn tiền mặt mà khách hàng tự nguyện nộp vào.
Dưới góc nhìn của người tiêu dùng, chương trình này chẳng có vấn đề gì khi đơn giản chỉ là một dạng trả trước và tích điểm khi thanh toán.
Thành viên chẳng cần phải đem theo tiền hay ví lại còn được tặng thêm đồ uống miễn phí nếu thường xuyên sử dụng dịch vụ này.
Tuy nhiên dưới góc nhìn của Starbucks, chương trình thẻ thành viên này không chỉ thu thập được thông tin tiêu dùng của khách hàng, gia tăng doanh số mà còn chiếm dụng vốn một cách dễ dàng với lãi suất 0%.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay khoảng 44% số giao dịch tại Starbucks hiện nay là thông qua chương trình thẻ thành viên. Tỷ lệ này được cho là lên đến 80% trong mùa dịch Covid-19.
Vào cuối năm 2019, hãng này cho biết nắm giữ đến 1,5 tỷ USD tiền gửi "trả trước" của khách hàng trong chương trình thẻ thành viên này.
Theo WSJ, con số trên đến cuối năm 2022 đạt 2,4 tỷ USD, đứng thứ 385 trên tổng số 4.236 ngân hàng ở Mỹ.
Xin được nhắc rằng số liệu của Tập đoàn bảo hiểm ký thác liên bang Mỹ (FDIC) cho thấy hơn 3.900 ngân hàng ở nước này hiện nay còn chưa có nổi 1 tỷ USD tổng tài sản.
Chiếm dụng vốn
Theo Medium, chương trình thẻ thành viên cho khách hàng thân thiết Starbucks Rewards chiếm khoảng 30-40% doanh số của hãng trên toàn cầu. Người tiêu dùng chỉ cần nạp tiền vào thẻ và có thể mua sắm dịch vụ, sản phẩm tại các cửa hàng cà phê thông qua đó.
Lợi ích của dịch vụ này là khách hàng sẽ được tặng điểm, tặng sao để đổi lấy đồ uống miễn phí hoặc mã giảm giá.
Theo báo cáo quý 3 năm 2022 của Starbucks, chỉ riêng tại Mỹ đã có 27,4 triệu thành viên Starbucks Rewards đang hoạt động. Con số này gần gấp đôi so với 14,2 triệu thành viên vào cuối năm 2017.
Phía công ty cho biết những thành viên Starbucks Rewards thường chi tiêu nhiều gấp ba lần so với những khách hàng thông thường. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi doanh thu của Starbucks Rewards tại Mỹ năm 2023 chiếm đến 53% tổng doanh số.
Với uy tín về thương hiệu và tâm lý "cuồng" Starbucks để khoe sự sang chảnh, rất nhiều khách hàng tin tưởng để tiền trong tài khoản thành viên này vì nghĩ rằng kiểu gì cũng sẽ dùng chúng vào một ngày nào đó.
Tờ WSJ cho hay các khách hàng Mỹ của Starbucks thường xuyên tự nguyện "gửi" khoảng 1-2 tỷ USD trong tài khoản thành viên của mình. Con số này cao hơn nhiều so với lượng tiền gửi ở một số ngân hàng Mỹ như Customers Bank (780 triệu USD), hay Green Dot Corporation (560 triệu USD).
Với khoản tiền vay ưu đãi với lãi suất 0% như trên, Starbucks hoàn toàn có thể sử dụng đem đi đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh và kiếm thêm lợi nhuận mà không cần chia sẻ cho khách hàng.
Thậm chí theo Medium, khoảng 10% số tiền gửi này thường xuyên bị lãng quên hoặc không được dùng đến, tạo nên một nguồn thu "từ trên trời rơi xuống" cho Starbucks.
Trong các báo cáo tài chính năm 2017 đến 2019, chuỗi cà phê này đã ghi nhận khoản thu từ số tiền gửi bị lãng quên của khách hàng lần lượt là 104,6 triệu USD, 155,9 triệu USD và 125 triệu USD.
Chỉ cho rút bằng cà phê
Chiếm dụng vốn với tiền gửi lãi suất 0% của khách hàng là vậy nhưng Starbucks lại chẳng phải ngân hàng thực sự.
Tờ Medium cho hay ngoài yếu tố chưa đăng ký hay được cấp phép kinh doanh tài chính, Starbucks cũng khác ngân hàng ở chỗ chỉ cho phép khách hàng rút tiền bằng cà phê.
Chính điều này đã giúp Starbucks lách luật và tiếp tục chiếm dụng vốn của người tiêu dùng một cách công khai, hợp pháp.
Thông thường ngân hàng sẽ cho phép người gửi tiền được rút vốn bất kỳ lúc nào họ muốn, nên những tổ chức tài chính này sẽ phải giữ một lượng tiền mặt nhất định phòng trường hợp rút tiền hàng loạt.
Đây là lý do các ngân hàng thương mại sẽ phải có tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở Ngân hàng trung ương dựa trên mỗi khoản tiền gửi.
Thế nhưng Starbucks thì lại chẳng cần phải dự trữ tiền làm gì khi khách hàng chỉ có thể rút bằng cà phê hay sản phẩm của hãng. Hơn nữa mọi người gửi tiền vào đây với mục đích tiêu dùng chứ không có ý định kiếm lời hay đầu tư, nên Starbucks hoàn toàn tự do với số vốn vay lãi suất 0% này.
"Chúng ta nên gọi Starbucks là một ngân hàng không được kiểm soát, đội lốt chuỗi kinh doanh cà phê thì đúng hơn", Chủ tịch Kim Jung Tai của tập đoàn tài chính lớn thứ 3 Hàn Quốc Hana Financial Group than thở khi Starbucks tại đây nắm giữ đến 70 tỷ Won, tương đương 60,2 triệu USD tiền gửi khách hàng.
*Nguồn: WSJ, Medium