"Bí mật triệu đô" của startup bán thịt trâu gác bếp đắt nhất thị trường: Được “chiến thần” Võ Hà Linh chấm 9,5/10, sáng tạo “thẻ bảo hành thịt”, đánh vào tâm lý “đắt xắt ra miếng" của người Việt

Trong video review các sản phẩm thịt sấy của thương hiệu Huho hồi tháng 11/2022, "chiến thần" Võ Hà Linh ngỡ ngàng khi thấy thẻ bảo hành thịt trâu, thịt lợn gác bếp. Xuất hiện trên Shark Tank mới đây, người sáng lập Huho tiết lộ có tháng doanh số lên tới 1 triệu USD, và họ xác định bán các sản phẩm "giá đắt nhất thị trường".

"Tuyệt chiêu" của startup bán thịt trâu gác bếp đắt nhất thị trường, thu 1 triệu USD một tháng: Có cả thẻ bảo hành đồ ăn, tận dụng tâm lý "đắt xắt ra miếng" của người Việt - Ảnh 1.

Thẻ bảo hành sản phẩm của thương hiệu đặc sản Tây Bắc Huho. Ảnh: YouTube Hà Linh Official/Shark Tank Việt Nam.

Cái tên "Huyền Huho" không còn xa lạ với những người thường xuyên mua sắm trên TikTok. Khởi đầu với những video hướng dẫn làm các món đặc sản Tây Bắc như lạp xưởng, thịt trâu gác bếp, bò khô… và chia sẻ về cuộc sống tại SaPa, Huyền Huho chính thức bán hàng từ tháng 5/2022, thông qua livestream trên TikTok và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) khác.

Bức tranh tài chính khiến các Shark phải thốt lên: "Tốt đến mức khó tin!"

Ngay tháng đầu tiên, doanh thu đã đạt 1,5 tỷ đồng. Sau 5 tháng, con số này tăng gấp 10 lần, tức là đạt 15 tỷ đồng. Tổng doanh thu cả năm 2022 đạt 60 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận ròng sau thuế là 20%. Đáng chú ý, trong tháng cao điểm nhất năm 2022, doanh thu của thương hiệu đặc sản Tây Bắc Huho đã lên tới 1 triệu USD (hơn 25 tỷ đồng).

Những con số này được chia sẻ trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6 mới đây, khi Huyền Huho (tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Huyền) cùng người đồng sáng lập thương hiệu Huho là Hoàng Chung Học đến kêu gọi đầu tư 12 tỷ đồng đổi 8% cổ phần.

"Đến hết tháng 10/2023, Huho đã đạt doanh số 70 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận ròng sau thuế 16,9%. Ước tính hết năm 2023 sẽ thu về 150 tỷ đồng, và vẫn giữ được tỷ suất lợi nhuận ròng 20%. Năm 2024, thương hiệu dự kiến sẽ tăng trưởng 53%, đạt doanh số 230 tỷ. Từ năm 2024 đến 2028, mức tăng trưởng mỗi năm sẽ là 30%, đạt doanh thu 657 tỷ vào năm 2028", startup Huho trình bày trước dàn "cá mập".

"Tuyệt chiêu" của startup bán thịt trâu gác bếp đắt nhất thị trường, thu 1 triệu USD một tháng: Có cả thẻ bảo hành đồ ăn, tận dụng tâm lý "đắt xắt ra miếng" của người Việt - Ảnh 2.

Hai nhà sáng lập thương hiệu Huho kêu gọi vốn trên sóng Shark Tank Việt Nam.

Những con số này ấn tượng đến mức Shark Nguyễn Hòa Bình cảm thấy "sững sờ, ngơ ngác, bật ngửa", đồng thời thắc mắc về động cơ gọi vốn của Huho bởi bức tranh tài chính này "tốt đến mức khó tin".

Đáp lại, Chung Học cho biết startup nuôi tham vọng đưa sản phẩm ra toàn cầu, nhưng mới chỉ có kinh nghiệm bán hàng online nên muốn có Shark đồng hành, "chứ thực sự công ty không thiếu vốn". Kế hoạch phát triển từ năm 2024 của Huho là sẽ đi vào hệ thống phân phối.

Tất cả sản phẩm đều "có giá đắt nhất thị trường", phát cả thẻ bảo hành cho khách, không hợp khẩu vị có thể trả lại

Khi được hỏi về "long mạch" của startup, Chung Học cho biết họ từng tiến hành một chiến dịch nhằm truyền đi thông điệp: "Thịt trâu Huho đắt nhất TikTok".

Với mức giá bị so sánh là đắt hơn so với các đối thủ, Huho quyết định thuê đội ngũ KOL để truyền thông cho toàn bộ cộng đồng TikTok rằng sản phẩm của họ là đắt nhất, từ đấy tạo ra làn sóng quay lại ủng hộ bởi lòng tin vào chất lượng sản phẩm. Theo lý giải của Chung Học, họ đang tận dụng tâm lý "đắt xắt ra miếng" của người Việt.

Một chiến dịch khác là "thịt trâu Huho vươn tầm thế giới". Startup đã thuê dàn KOL người nước ngoài tại Việt Nam review sản phẩm, sau đó để mẫu chụp ảnh với sản phẩm tại các địa danh nổi tiếng toàn cầu ở Anh, Pháp, Mỹ…

Với những chiến dịch như vậy, thương hiệu Huho đã trở nên hoàn toàn khác biệt so với phần còn lại, không còn bị đem ra so sánh.

"Chúng tôi xác định tập trung xây dựng thương hiệu qua truyền thông, tiếp thị chứ không cạnh tranh về giá. Tất cả các sản phẩm của Huho được định vị bán giá đắt nhất thị trường", Chung Học khẳng định với các Shark.

"Tuyệt chiêu" của startup bán thịt trâu gác bếp đắt nhất thị trường, thu 1 triệu USD một tháng: Có cả thẻ bảo hành đồ ăn, tận dụng tâm lý "đắt xắt ra miếng" của người Việt - Ảnh 3.

Các hộp sản phẩm của Huho.

Hiện tại, mỗi kilogram thịt trâu gác bếp của Huho đang có giá khoảng 1,2 triệu đồng trên Shopee và 1,4 triệu đồng trên Lazada và TikTok Shop, còn thịt lợn gác bếp có giá 990.000 đồng/kg trên tất cả các nền tảng.

Huyền Huho còn chỉ ra một điểm khác biệt nữa của họ là thẻ bảo hành sản phẩm.

"Trên thị trường hiện tại, với mặt hàng thực phẩm thì chưa bên nào có thể bảo hành cho khách hàng, nhưng bên em đã cực đoan hóa bằng cách đưa thẻ bảo hành. Tức là trong trường hợp khách ăn cảm thấy không hợp khẩu vị cũng được quay đầu hàng", cô cho biết.

Tháng 11/2022, Võ Hà Linh – KOC nổi tiếng được mệnh danh là "chiến thần review" với những video đánh giá sản phẩm hàng triệu lượt xem trên YouTube – đã đăng video review các sản phẩm của Huho. Tấm thẻ bảo hành thịt trâu và thịt lợn gác bếp xuất hiện trong thùng hàng chính là điểm khiến Hà Linh ngỡ ngàng. KOC này thậm chí tỏ ra bất ngờ hơn sau khi ăn thử.

"Điểm đặc biệt nhất là không có miếng trâu gác bếp nào mình từng ăn mềm như thế này. Mình nghĩ sản phẩm đã được đập dập hoặc hấp qua để giữ lại độ mềm và một ít nước trong thịt, không quá khô như những loại trâu gác bếp khác", Hà Linh nhận xét. "Trâu gác bếp phải được 9,5 điểm".

Đúng như cảm nhận của Võ Hà Linh, trên sóng Shark Tank, nhà sáng lập Huho đã tiết lộ cốt lõi để thực hiện các chiến dịch marketing là phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm.

"Sản phẩm bên em đã hấp, sấy và đập dập, còn của bên khác khách mua về phải tự làm. Thứ hai, bên em có chẩm chéo ướt, còn bên khác là chẩm chéo khô và vắt chanh.

Với Huho, tính cách thương hiệu mà bọn em xây dựng là tiên phong và sáng tạo, không làm những thứ người khác đã làm rồi", Chung Học chia sẻ bí kíp.

Minh Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT