BNP Global dùng bất động sản hoán đổi một phần lô trái phiếu 2.100 tỷ đồng
BNP Global mới đây đã hoán đổi một phần lô trái phiếu BNPCH2123002 có giá trị phát hành là 2.100 tỷ đồng. Lọai tài sản sử dụng để thanh toán là bất động sản.
Thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Bất động sản BNP Global (BNP Global) đã công bố về việc hoán đổi trái phiếu thành tài sản khác.
Cụ thể, ngày 17/11/2023, BNP Global đã được người sở hữu trái phiếu đồng ý, hoàn tất chuyển đổi gần 4,6 tỷ đồng trái phiếu thuộc lô trái phiếu BNPCH2123002. Loại tài sản sử dụng để thanh toán là bất động sản.
Giá trị lô trái phiếu sau khu hoán đổi là hơn 1.900,4 tỷ đồng.
Tương tự, ngày 10/11, doanh nghiệp này cũng tiến hành hoán đổi gần 10,6 tỷ đồng của lô trái phiếu nói trên.
Liên quan đến lô trái phiếu BNPCH2123002, BNP Global đã nhiều lần hoán đổi trái phiếu thành tài sản khác.
Cụ thể, ngày 30/6, BNP Global chuyển đổi 56.220 trái phiếu thuộc lô trái phiếu BNPCH2123002 sang tài sản khác. Đáng chú ý, 56.220 trái phiếu hoán hoán đổi được định giá 56,22 tỷ đồng (tương đương 1.000.000 đồng/ trái phiếu) cao gấp 10 lần so với mệnh giá phát hành.
Đến ngày 7/7, BNP Global tiếp tục được người sở hữu trái phiếu đồng ý, hoàn tất chuyển đổi 60.462 trái phiếu thuộc lô trái phiếu BNPCH2123002 với giá trị trái phiếu được hoán đổi là hơn 6,046 tỷ đồng (tương ứng 100.000 đồng/trái phiếu).
Ngày 21/7, doanh nghiệp này hoàn tất chuyển đổi 50.000 trái phiếu với giá trị trái phiếu được hoán đổi là 5 tỷ đồng (tương ứng 100.000 đồng/trái phiếu).
Về BNP Global, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 1/2014, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 6 tỷ đồng, gồm ba cổ đông là bà Bùi Thị Hồng Ngọc, ông Nguyễn Hiếu Liêm và ông Vương Tôn Anh. Đến tháng 8/2022, BNP Global nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp lỗ 16,8 tỷ đồng, giảm nhẹ so với khoản lỗ 21,8 tỷ đồng tại kỳ báo cáo trước.
Đáng nói là dù kinh doanh thua lỗ nhưng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức 962,2 tỷ đồng. Kéo theo đó là tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) được cải thiện từ âm 4,6% còn âm 1,75%.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ 5,21 lần xuống còn 2,89 lần, tương ứng tổng số nợ phải trả tới cuối quý II/2023 ở mức xấp xỉ 2.781 tỷ đồng. Trong đó dư nợ trái phiếu chiếm tới 2.598 tỷ đồng.