Bộ Công Thương cảnh báo về gian lận thương mại tại một số nước Trung Đông

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất, trước sự việc doanh nghiệp có dấu hiệu bị lừa đảo tại UAE.

canh-bao-ve-gian-lan-thuong-mai-tai-mot-so-nuoc-trung-dong-antt-1690774740.jpg

Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với doanh nghiệp nước ngoài phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán. Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thời gian gần đây, các doanh nghiệp là thành viên của VPA đã kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Đông gồm tiêu, quế, hồi, hạt điều.

Tuy nhiên, các công ty này cho biết các giao dịch có dấu hiệu gian lận thương mại từ cùng một người mua và cùng một ngân hàng tại Trung Đông.

Trước đó, đã có 4 container hàng hóa, trị giá 400.000 USD bị mất trắng tại cảng Jebel Ali, UAE. Hiện tại, có 1 container hoa hồi có khả năng cũng bị mất cũng với thủ đoạn lừa đảo tương tự.

Theo các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng, tất cả các lô hàng được thanh toán theo điều khoản thanh toán nhờ thu (D/P).

Có nghĩa là bộ chứng từ gốc sẽ được ngân hàng của Bên bán chuyển đến ngân hàng của Bên mua, sau đó Bên mua sẽ thanh toán cho ngân hàng của Bên mua. Sau khi ngân hàng Bên mua nhận đủ số tiền sẽ đồng thời chuyển tiền sang ngân hàng Bên bán. Khi đó, ngân hàng của Bên mua mới được phép giao bộ chứng từ gốc cho Bên mua để nhận hàng.

Tuy nhiên, nếu ngân hàng của Người mua chưa chuyển tiền cho ngân hàng của Người bán thì Người mua sẽ không thể lấy bộ chứng từ gốc để lấy hàng tại cảng.

Như vậy, các giao dịch nêu trên có dấu hiệu gian lận xảy ra tại ngân hàng nơi công ty Việt Nam gửi bộ chứng từ D/P. Các quan chức ngân hàng này có thể tham gia vào vụ việc này.

Trong một vụ việc khác, Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cũng vừa có Thông báo số 45/TB-HHĐ gửi các DN ngành điều, thông tin về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân sang Dubai thuộc UAE. Theo đó, VINACAS nhận được kêu cứu của  Công ty Tín Mai (trụ sở tại TP HCM, chuyên kinh doanh xuất khẩu hạt tiêu, điều, cà phê…) với nội dung: DN này ký hợp đồng bán nhân điều cho một công ty trong lĩnh vực thực phẩm có trụ sở đặt tại số 1006, tòa tháp Mai, Al Nahda, Dubai thông qua sàn thương mại điện tử. Người giao dịch trực tiếp: Mr. Naeem Chaudhry, Mob/Whatsapp: +971 58 600 1304, email: nacem@barft.com. Sau khi ký kết, khách hàng đã ứng cho Công ty Tín Mai 15% giá trị đơn hàng. Công ty Tín Mai đã giao hàng và ngày 24/6/2023 đã đến cảng Jebel Ali, UAE. Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6/2023, trong khi Công ty Tín Mai vẫn chưa được thanh toán 85% trị giá lô hàng.

Mặc dù, Ngân hàng Sacombank đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua yêu cầu thanh toán và hoàn trả bộ chứng từ, nhưng không được thực hiện. VINACAS thận trọng khi cho rằng, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo của khách hàng hoặc ngân hàng bên mua. Thế nên, để hỗ trợ các DN liên quan, ngoài việc liên hệ ngay với Thương vụ Việt Nam tại UAE nhờ hỗ trợ, VINACAS sẽ phối hợp tổ chức cuộc họp với các DN để nắm đầy đủ các thông tin, từ đó chính thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UAE xem xét, hỗ trợ DN giải quyết vụ việc.

Ngay sau khi nhận được thông báo của các đơn vị trên, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi) đã có Công hàm gửi Đại sứ quán liên quan và đề nghị Đại sứ quán thông báo với các Cơ quan có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý vụ việc. Bộ Công Thương đã có một cuộc họp khẩn gồm có Đại sứ quán của bên liên quan, đại diện của các đơn vị: Ngân hàng Trung ương Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp là chủ các lô hàng xuất khẩu sang Trung Đông. Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại khu vực Trung Đông sớm xử lý vụ việc nêu trên.

Để tránh những thiệt hại đáng tiếc, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp về các giao dịch chứng từ hóa đơn thanh toán... tại các thị trường có rủi ro cao.

Hiện nay, tình trạng lừa đảo tại một số thị trường khu vực Trung Đông đã xuất hiện nhiều hơn trước, chủ yếu tập trung ở các công ty thương mại có quy mô nhỏ. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các doanh nghiệp nước ngoài khi ký hợp đồng mua bán với các công ty Việt Nam thường yêu cầu điều khoản thanh toán TT hoặc phát hành séc cho bên bán cầm cố.

Đây là hai hình thức có nhiều rủi ro nhất: 

Thanh toán TT trả sau: Nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên Bán.

Phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên Bán cầm cố. Phương thức này có nhiều rủi ro như bên Mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên Bán không thể đến ngân hàng bên mua để nhận tiền vì không có thẻ căn cước. Bên Bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên Mua vì Ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ 3.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để đảm bảo an toàn nhất. Các phương thức thanh toán như mở LC, hoặc đại diện doanh nghiệp sang tận nơi giao chứng từ và nhận tiền.

Phương thức thanh toán D/P cũng có mức độ an toàn hơn so với thanh toán TT và séc, nhưng lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải đảm bảo an toàn, tránh trường hợp xảy ra như các vụ việc nêu trên do khâu giao chứng từ và nhận chứng từ (Nhân viên an ninh ngân hàng) không có ký nhận, dẫn đến sự việc nhân viên an ninh ngân hàng giao chứng từ cho bên mua để đi nhận hàng mà bên mua không thanh toán tiền cho ngân hàng bên Mua để trả cho ngân hàng bên Bán.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT