Bộ Công thương có động thái mới với các vụ kiện chống bán phá giá thép mạ và HRC nhập khẩu, cổ phiếu Hòa Phát, Tôn Đông Á, Hoa Sen, Nam Kim... đồng loạt 'nổi sóng'
Ngày 14/6, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc
Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 17/6, các cổ phiếu ngành thép đã trở thành tâm điểm khi đồng loạt nổi sóng, thu hút được dòng tiền lớn đổ vào. Trong đó nổi bật có thể kể đến cổ phiếu TIS (tăng 8%), HSG (tăng gần 6%), NKG (3,3%), GDA (tăng gần 5%), SMC (tăng 5,3%), HPG (tăng hơn 1%)....
Cổ phiếu ngành thép đồng loạt nổi sóng sau khi các cơ quan chức năng có động thái điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép tôn mạ đến từ nước ngoài.
Cụ thể, ngày 14/6, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Quyết định tiến hành điều tra được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại đối với Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá được nộp đầy đủ và hợp lệ ngày 3/5/2024 bởi các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước gồm 5 công ty: CTCP Tập đoàn Hoa Sen; CTCP Thép Nam Kim; Công ty Tôn Phương Nam; CTCP Tôn Đông Á và CTCP China Steel & Nippon Steel Việt Nam.
Ngoài ra, cũng trong ngày 14/6, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc. Bộ Công Thương cũng cho biết trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ; Cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.
Trước đó, trong ngày 19/3/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) tiếp nhận hồ sơ của các công ty là đại diện cho ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu) - bao gồm Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), trước câu hỏi của cổ đông về vụ đệ đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát khẳng định: Việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG ) là theo chuẩn WTO và là điều thông thường. Khi Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế, cũng đối mặt với nhiều vụ kiện CBPG.
"Trước khi chúng ta là cổ đông của Hòa Phát thì đều là công dân của Việt Nam cả, mọi người nên có quan điểm ủng hộ sản xuất trong nước. Nhìn nhận một cách khách quan công bằng thì không có nước nào trên thế giới chấp nhận tình trạng lượng thép nhập khẩu còn lớn hơn phần sản xuất trong nước" – Ông Long nói.
Đặc biệt, theo Chủ tịch của Tập đoàn Hòa Phát, 30 năm trước, Việt Nam còn chưa có tên trên bản đồ thép thế giới, nay tự hào trở thành nước sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với tổng sản lượng trên 20 triệu tấn và đã sản xuất được thép chế tạo cao cấp.
"Thép là bánh mì của công nghiệp, đặc biệt qua cuộc xung đột Nga- Ukraine, càng thấy vai trò của sản xuất công nghiệp trong nội địa" – Ông Long nhấn mạnh.
Ông Long lưu ý, Hoà Phát chỉ khởi kiện một vài công ty nước ngoài chống bán phá giá chứ không phải toàn bộ các nhà xuất khẩu. Nếu việc áp thuế chống bán phá giá được thực hiện, thì giá thép HRC nhập khẩu cũng chưa chắc đã tăng vì nếu bán giá cao, sẵn sàng có những nhà xuất khẩu từ các nước xung quanh nhảy vào thị trường.
Chủ tịch Hoà Phát tiết lộ tình trạng "nguy hiểm" của nạn bán phá giá khi chính các nhà sản xuất thép uy tín trong nội địa Trung Quốc cũng bày tỏ sự lo lắng và muốn cơ quan quản lý nước này điều tra các nhà sản xuất phá giá thép.