Bộ Công Thương đề xuất chuyển Bộ Tài chính quản lý việc dự trữ xăng dầu

Bộ Công Thương đề xuất chuyển nhiệm vụ quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia cho Bộ Tài chính để thống nhất đầu mối quản lý dự trữ các mặt hàng thiết yếu.

bo-cong-thuong-de-xuat-chuyen-bo-tai-chinh-quan-ly-viec-du-tru-xang-dau-antt-1702252999.JPG
Việc dự trữ xăng dầu quốc gia được Bộ Công Thương ký hợp đồng bảo quản với 4 doanh nghiệp, gồm: Petrolimex, PVOil, Petec, nhiên liệu bay Petrolimex. Ảnh: VietNamNet

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về công tác dự trữ xăng dầu quốc gia gửi Chính phủ. 

Tại Việt Nam, dự trữ xăng dầu hiện có hai loại hình là dự trữ lưu thông của doanh nghiệp và dự trữ xăng dầu quốc gia. Theo Luật Dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. 

Theo Bộ Công Thương, xăng dầu cũng là hàng thiết yếu, nên Bộ này đề xuất chuyển mặt hàng này sang Bộ Tài chính quản lý dự trữ trong giai đoạn 2024 - 2025. Việc này nhằm thống nhất đầu mối quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia.

Hiện, lượng dự trữ xăng dầu quốc gia tới cuối 2020 là gần 371,25 triệu lít, kg (tăng gần 13,8 triệu lít so với 2016). Chi phí bảo quản 2016-2020 là gần 291 tỷ đồng. 

Tổng lượng xăng dầu dự trữ quốc gia đến cuối 2022 là hơn 367.125 m3, tấn. Trong đó, 55% là dầu diesel; trên 27% là xăng RON 92, còn lại là dầu mazut và nhiên liệu máy bay (Jet A1).

Theo khối lượng xăng dầu nhập ròng năm 2022 là 52.097 m3 một ngày thì mức dự trữ xăng dầu quốc gia tương đương 7 ngày nhập ròng bình quân.

Việc dự trữ xăng dầu quốc gia được Bộ Công Thương ký hợp đồng bảo quản với 4 doanh nghiệp, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil); Công ty TNHH MTV Dầu khí Đồng Tháp (Petec) và Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex. 

Cũng tại báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương nêu một số khó khăn trong thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia. Theo bộ này, hiện Bộ Tài chính - cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý chất lượng các mặt hàng dự trữ quốc gia - chưa ban hành Quy chuẩn Việt Nam với hàng thuộc lĩnh vực dự trữ quốc gia, nên hiện quy định định mức, tỷ lệ hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia, xử lý hao hụt đang áp dụng và duy trì tạm thời theo Thông tư 43/2015 của Bộ Công Thương về tỷ lệ hao hụt trong kính doanh xăng dầu. 

Vì vậy, Bộ này đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia xăng dầu để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức quản lý. 

Ngoài ra, Bộ Tài chính cần sớm thẩm định hồ sơ hạn mức chênh lệch kinh phí, tính khả thi khi chuyển chủng loại xăng (RON 92 sang RON 95) và dầu dự trữ (diesel 0,025S sang 0,05S) để làm cơ sở cấp bù chênh lệch cho các doanh nghiệp. Riêng việc chuyển dự trữ xăng RON 92 sang RON 95 cần xây dựng phương án chuyển đổi, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Ngoài ra, định mức chi phí bảo quản quá thấp, duy trì 20 năm qua chưa được thay đổi. Theo quy định của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, chi phí định mức hiện gần 14.900 đồng một m3, trong khi thực tế phải bỏ ra 70.000-150.000 đồng một m3 để bảo quản, tức gấp gần 5-10 lần.

"Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tồn tại xăng dầu dự trữ quốc gia vẫn bảo quản chung với hàng kinh doanh, chưa được bảo quản riêng theo đúng luật", Bộ Công Thương nhận xét.

 

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT