Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá xăng vào mỗi thứ Năm hàng tuần

Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, cố định vào thứ Năm hàng tuần.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo tóm tắt về nội dung tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. 

Tại báo cáo này, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án điều hành giá xăng dầu. Phương án thứ nhất là giữ nguyên quy định hiện hành, nhưng sẽ rà soát một số chi phí thực tế phát sinh, sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí để đảm bảo tính đúng, tính đủ và kịp thời hơn cho doanh nghiệp.

Phương án thứ hai là sửa đổi công thức, phương pháp công bố giá cơ sở theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá. Doanh nghiệp đầu mối căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ, sau đó báo cáo về liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để giám sát.

bo-cong-thuong-de-xuat-dieu-chinh-gia-xang-vao-moi-thu-nam-hang-tuan-1697012907.jpg
Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, cố định vào thứ Năm hàng tuần.

Qua ý kiến góp ý từ một số đơn vị, Bộ Công Thương cho rằng cách điều hành giá xăng dầu như hiện nay có nhiều ưu điểm hơn. Tuy nhiên, Bộ đề nghị rút ngắn thời gian rà soát, công bố chi phí đưa vào giá xăng dầu từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Thời gian điều hành giá cũng được đề xuất rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, cố định vào thứ Năm hàng tuần.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn vừa qua, thời gian điều hành giá xăng dầu đã liên tục được rút ngắn dần (từ 30 ngày xuống 15 ngày và hiện nay là 10 ngày).

"Thực tế cho thấy, có những thời điểm khi thị trường xăng dầu thế giới biến động liên tục với biên độ lớn, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng nhưng chưa được cập nhật kịp thời dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc nhập khẩu" - Bộ này nêu rõ.

Bộ Công Thương đánh giá, việc giảm thời gian điều hành giá sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này.

Song, nhược điểm của phương án này là thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng tới khi về đến cảng) khoảng 10-15 ngày, nên khi thị trường bất ổn theo xu hướng bất lợi, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Với đề xuất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trước đây về việc cần quy định "cứng" mức chiết khấu (thù lao kinh doanh), Bộ Công Thương cho biết, không cần phải quy định mức chiết khấu cụ thể tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Bởi lẽ, hiện đã có quy định mức chiết khấu đầy đủ cho các đối tượng tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu. Mức chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận.

"Nếu nghị định cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua nhiều nguồn, điều chỉnh thời gian rà soát, công bố các chi phí giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng, và rút ngắn thời gian điều hành thì vấn đề chiết khấu sẽ được giải quyết", Bộ Công Thương nhận định.

Năm 2022 thị trường xăng dầu trong nước nhiều xáo trộn khiến nhiều doanh nghiệp than lỗ. Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị cần có quy định chiết khấu tối thiểu 5-6% trong giá bán, để giúp đơn vị bán lẻ - mắt xích phân phối quan trọng đưa xăng dầu tới người tiêu dùng - ổn định tài chính, kinh doanh.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương chủ trì, xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT