Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024 để gỡ khó cho EVN
Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện trong năm 2024 để EVN có nguồn thanh toán cho các nhà máy điện và phản ánh đúng biến động của chi phí đầu vào.
Tại cuộc họp ban chỉ đạo giá đầu tuần này, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay, để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
“Bộ Công Thương sẽ hướng EVN điều hành phương án giá điện theo đúng quy định”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Đề xuất tăng giá điện được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh năm qua giá điện đã được điều chỉnh tăng 2 lần. Lần điều chỉnh thứ nhất vào tháng 5/2023, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm 3%, từ 1.864,44 đồng/kWh lên 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Lần thứ hai vào tháng 11/2023, giá điện tăng tiếp 4,5% lên 2.006,79 đồng/kWh.
Hiện tại, biểu giá điện sinh hoạt áp dụng từ tháng 11/2023 gồm 6 bậc. Bậc 1 cho kWh 0-50 là 1.806 đồng/kWh (biểu giá cũ hồi đầu năm là 1.678 đồng/kWh); bậc 2 cho kWh 51-100 là 1.866 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.734 đồng/kWh); bậc 3 cho kWh 101-200 là 2.167 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.014 đồng/kWh); bậc 4 cho kWh 201-300 là 2.729 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.536 đồng/kWh); bậc 5 cho kWh 301-400 đồng/kWh là 3.050 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.834 đồng/kWh); bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.151 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.927 đồng/kWh).
Theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định: "Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất" và "trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành".
Theo văn bản EVN gửi Bộ Công thương, tính đến hết năm 2023, tập đoàn này ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất khoảng 17.000 tỷ đồng, giảm 9.000 tỷ đồng so với năm 2022. Tính chung 2022-2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước (khoảng 14.000 tỷ đồng).
Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản gửi EVN yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng. Theo đó, EVN sẽ xây dựng lộ trình và đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện áp dụng giá bán điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng.
Trên cơ sở đề xuất về cơ chế và lựa chọn đối tượng khách hàng, công ty điện lực tính toán đối chứng, so sánh việc áp dụng giá bán điện hai thành phần với việc áp dụng giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành.
EVN cũng được yêu cầu nghiên cứu, đánh giá tác động việc thực hiện giá bán lẻ điện bình quân và tác động với các nhóm khách hàng sử dụng điện khi áp dụng cơ chế giá bán điện hai thành phần; báo cáo tổng kết và đề xuất cơ chế giá bán điện hai thành phần sau giai đoạn tính toán, đối chứng gửi về Bộ Công Thương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.