Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bộ Công Thương lý giải đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu

Hà Thị Lưu Luyến

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, Nhà nước sẽ không điều hành giá xăng dầu như hiện tại. Thay vào đó, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu được tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu dựa trên căn cứ tính toán chi phí đầu vào. Nhà nước chỉ công bố giá bình quân và hậu kiểm giá bán ra.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định mới thay thế các nghị định về kinh doanh xăng dầu như Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021, Nghị định 80/2023.

Nhà nước không tham gia điều hành giá xăng dầu

Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Thông tư lấy ý kiến lần này, Bộ Công Thương đề xuất cho phép doanh nghiệp là thương nhân đầu mối được quyền tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu dựa trên chi phí và tính toán các yếu tố giá đầu vào.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Tức là, mức giá điều hành do Nhà nước công bố giống như giá trần, doanh nghiệp không được pháp bán lẻ xăng dầu vượt mức giá trần này.

Theo quan điểm của Bộ Công Thương, xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá theo quy định của Luật Giá, nên cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường.

Để tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước sẽ không tham gia vào quá trình điều hành giá, mà sẽ công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá.

Cụ thể, Nhà nước sẽ chỉ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định, để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán xăng dầu sẽ được các thương nhân đầu mối công bố nhưng không được vượt qua giá tối đa đã được tính toán theo công thức.

bo-cong-thuong-ly-giai-de-xuat-de-doanh-nghiep-tu-quyet-gia-xang-dau-1711688200.jpg
Bộ Công Thương đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu. Ảnh minh họa

Theo Bộ Công Thương, giá bán xăng dầu tối đa (giá do doanh nghiệp công bố) bằng giá xăng dầu thế giới nhân với tỷ giá ngoại tệ cộng các loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, cộng tỷ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong đó, các loại thuế kể trên sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về thuế.

Trong trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh tỉ lệ này cho phù hợp với thực tế. Việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện theo kỳ 15 ngày/lần.

Bộ Công Thương đánh giá, phương án nàygiúp giảm bớt việc tính toán chi phí hàng tháng của thương nhân. Đây là cải cách trong tính toán giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí.

Đặc biệt, với đề xuất mới, doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường và có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức tính giá, qua đó loại bỏ việc áp dụng giá xăng dầu chia hai vùng tại đô thị, nông thôn hiện nay.

Giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng việc trích lập, sử dụng quỹ này chưa phù hợp với Luật Giá và đề xuất bỏ để xăng dầu theo hướng thị trường, tuy nhiên, Bộ Công Thương quan điểm vẫn giữ, nhưng đề xuất xây dựng cơ chế mới thay thế quy định hiện hành và sẽ quy định cụ thể trường hợp trích, chi sử dụng quỹ… để doanh nghiệp có thể dự báo và công bố giá theo quy định.

Một vấn đề khác, để quản lý hoạt động mua bán nhập nhằng giữa các doanh nghiệp, dự thảo nghị định mới cũng bổ sung quy định liên quan đến việc doanh nghiệp xăng dầu sẽ tiếp tục được thuê sử dụng kho nhưng sẽ bị quản lý chặt chẽ hơn.

Cụ thể, doanh nghiệp đầu mối khi thuê kho chứa sẽ phải kết nối dữ liệu kho chứa xăng dầu, dữ liệu kinh doanh xăng dầu với Bộ Công Thương. Doanh nghiệp đầu mối sẽ có thời gian 24 tháng để thực hiện việc kết nối dữ liệu kể từ khi nghị định mới có hiệu lực thi hành.

Một quy định khác được các doanh nghiệp tán đồng chính là đề xuất không cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau. Thực tế, tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu năm 2022 đã cho thấy, nhiều đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu đã mua bán lòng vòng xăng dầu, khiến cho nguồn cung bị rối loạn, gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung.

Vì vậy, dự thảo nghị định bổ sung quy định thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua xăng dầu lẫn của nhau. Dự thảo mới cũng đề xuất 3 hình thức đối với loại hình doanh nghiệp bán lẻ: nhận làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối hoặc thương nhân phân phối; nhận quyền bán lẻ xăng dầu; hoặc mua xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối để bán lẻ tại cửa hàng.

Hà Ly (t/h)