Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bộ GTVT ủng hộ việc giao UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư dự án sân bay Biên Hòa

Hà Thị Lưu Luyến

Theo Bộ GTVT, việc UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án Cảng Hàng không Biên Hòa là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án Cảng hàng không Biên Hòa.

Theo Bộ GTVT, tháng 11/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 154/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW Bộ Chính trị, đã giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện dự án nâng cấp sân bay Biên Hòa thành cảng hàng không lưỡng dụng cấp 4E.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã giao "Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy hoạch cảng hàng không mới (bao gồm cả cảng hàng không Biên Hòa, Thành Sơn) xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư cảng hàng không theo phương thức PPP; triển khai đầu tư khi bảo đảm hiệu quả, an toàn, đánh giá đầy đủ tác động có liên quan".

Cuối tháng 10/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét, chấp thuận cho phép tỉnh tài trợ bằng sản phẩm hồ sơ quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Biên Hòa. Bộ GTVT sau đó đã có văn bản ủng hộ đề xuất này.

bo-gtvt-ung-ho-viec-giao-ubnd-tinh-dong-nai-lam-chu-dau-tu-du-an-san-bay-bien-hoa-1708744117.jpg
Sân bay quân sự Biên Hòa sẽ được đâu tư nâng cấp trở thành sân bay lưỡng dụng quân sự và dân sự.

Theo Bộ GTVT, việc UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án Cảng Hàng không Biên Hòa là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.

Do cảng hàng không Biên Hòa được hình thành trên cơ sở tận dụng quỹ đất, kết cấu hạ tầng của sân bay Biên Hòa do Bộ Quốc phòng quản lý nên phương án khai thác lưỡng dụng cần có sự thống nhất của Bộ Quốc phòng.

Bởi vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình thực hiện.

Trước đó, Văn phòng chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc triển khai đầu tư dự án Cảng hàng không Biên Hòa.

Bộ GTVT được giao căn cứ theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức PPP, kiến nghị rõ về việc giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo đúng Nghị quyết số 154/2022 của Chính phủ, làm cơ sở để UBND tỉnh Đồng Nai triển khai ngay các thủ tục đầu tư. Đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai bảo đảm đúng quy định và nhiệm vụ được giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP được giao có ý kiến với việc giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án theo quy định của pháp luật.

Sân bay Quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, thuộc địa phận thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), cách Sân bay Tân Sơn Nhất của TPHCM khoảng 30km.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quân sự Biên Hòa được quy hoạch thành sân bay quốc nội để khai thác lưỡng dụng với công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu hành khách/năm.

Khi Sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác dân sự, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước sở hữu cùng lúc hai sân bay phục vụ dân sự-thương mại là sân bay Quốc tế Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.

Hà Ly (t/h)