Bộ KH&ĐT: Có niềm tin để giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, dù số vốn đầu tư công năm 2023 lớn nhưng kèm theo đó là danh mục các dự án đang triển khai rất nhiều và đều có quy mô rất lớn.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 9/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trả lời báo chí về mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023 đạt 6,5% và khả năng đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công mà Thủ tướng yêu cầu.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, đây là hai nội dung trọng tâm được thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 do Thủ tướng chủ trì sáng nay (9/9).

Tốc độ giải ngân đầu tư công cao

Đầu tư công là động lực phát triển nên ngay từ đầu năm, Thủ tướng đã yêu cầu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn, tức hơn 676.000 tỷ đồng trong năm 2023. Sau 8 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 299.447,4 tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch và đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng giao.

Trả lời về nội dung này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, so với 8 tháng cùng kỳ các năm trước đây, giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2023 đạt tốc độ cao nhất – cao cả về số tương đối và số tuyệt đối.

“Đó cũng là niềm tin để chúng ta đạt được mục tiêu cao trong giải ngân vốn đầu tư công cả năm nay”, ông Phương nhấn mạnh và cho biết, dù số vốn tương đối lớn nhưng kèm theo đó là danh mục dự án nhiều và quy mô lớn.

Kinh tế vĩ mô - Bộ KH&ĐT: Có niềm tin để giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu

Thứ trưởng Trần Quốc Phương trả lời tại họp báo (Ảnh: Phạm Đông).

Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm hơn cả là các cơ quan thực hiện vốn đầu tư công phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, triển khai ngay kế hoạch giải ngân tại kho bạc. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng rất nhiều của các nhà thầu, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để giải ngân được những mục tiêu đề ra.

“Với yêu cầu phải giải ngân 95% tổng số vốn đầu tư công thì chúng ta có đủ niềm tin để đạt được mục tiêu này”, ông Phương nêu rõ.

Áp lực về mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Nói về mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2023, Thứ trưởng nhắc lại GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72% - thấp hơn nhiều so với các mục tiêu, kịch bản được đề ra trong các Nghị quyết 01 của Chính phủ. Điều này, đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề cho các tháng cuối năm.

Theo ông Phương, các kịch bản đề ra trước đó đều hướng tới mục tiêu tăng trưởng khá cao. Để phục vụ cho các báo cáo, cũng như tham mưu các chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích kỹ lưỡng, trong đó kiến nghị về mục tiêu từ nay đến cuối năm đạt được “tốt nhất có thể” các mục tiêu đề ra.

bo-khdt-co-niem-tin-de-giai-ngan-von-dau-tu-cong-dat-muc-tieu-antt-1694337634.JPG
 

Ngay cuộc họp thường kỳ 6 tháng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 đề ra nhiều giải pháp, vừa mang tính cấp bách và lâu dài. Nghị quyết 105 đặt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được kiểm soát tốt, chính sách tài khoá tiền tệ được thực hiện tốt. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung vào các giải pháp để thực hiện một cách đồng bộ.

Trong đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 3 điểm thuận lợi có thể tập trung đẩy mạnh phát triển. Thứ nhất là nhu cầu phục hồi của khu vực dịch vụ. "Khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch đang phục hồi khá tốt và đây là điểm nhấn đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng", ông Phương nói.

Tiếp đến là khu vực nông nghiệp – trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Trong bối cảnh căng thẳng lương thực trên thế giới, Việt Nam có thuận lợi là nước có mức độ xuất khẩu nông sản tốt. “Bài toán ở đây là phải cân đối để làm sao vừa phục vụ cho tăng trưởng kinh tế cũng như an ninh năng lượng nội địa”, ông Phương nhấn mạnh.

Động lực thứ ba cần chú trọng, theo ông Phương là thị trường trong nước. Thủ tướng đã có chỉ đạo là phải kích thích thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Qua đó, tạo sức cầu lớn để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất trong nước trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng các doanh nghiệp cần phải nắm bắt tình hình, chắt chiu từng cơ hội để tăng thêm các đơn hàng quốc tế, tăng cường xuất khẩu, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT