Bộ Tài chính tiếp nhận quản lý 18 tập đoàn, tổng công ty

18 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được chính thức chuyển giao về Bộ Tài chính.

Sáng 28/2, tại trụ sở Bộ Tài chính đã diễn ra Lễ Ký kết chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc chuyển giao hôm nay nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tăng cường sức mạnh của nền kinh tế với mục tiêu thực hiện sứ mệnh vươn mình, tăng tốc xây dựng đất nước hùng cường thịnh vượng.

Theo Phó Thủ tướng, sau sát nhập với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, chuyển giao 18 tập đoàn, tổng công ty, quy mô và vai trò của Bộ Tài chính là rất lớn. Bộ Tài chính như "xương sống", "nòng cốt của nòng cốt" của nền kinh tế, quản lý toàn bộ nguồn lực tài chính từ đầu tư công, nguồn lực từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, vốn vay nước ngoài...

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị, sau khi chuyển giao, Bộ Tài chính cần tạo điều kiện để các tập đoàn, tổng công ty phát huy mạnh mẽ, huy động hiệu quả nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Muốn vậy phải tập trung phân cấp, phân quyền, đổi mới sáng tạo, tư duy cách làm mới để phát triển.

Đối với các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực có tư duy mới, cách làm mới để có hiệu quả, đặc biệt là "có cái tâm của người lãnh đạo, coi doanh nghiệp nhà nước như nhà của mình và làm việc là làm cho nhà của mình".

Bộ Tài chính tiếp nhận quản lý 18 tập đoàn, tổng công ty- Ảnh 1.

Lễ Ký kết chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính.

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên. Phó Thủ tướng, cho biết, làm thế nào để doanh nghiệp sau khi chuyển giao phát triển tốt hơn thì trọng trách của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc của các tổng công ty, tập đoàn là rất lớn.

"Bộ Tài chính phải tiếp tục đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp Nhà nước là nền tảng đột phá cho sự phát triển, làm những việc khó, làm việc có hiệu quả", Phó Thủ tướng đề nghị và nhấn mạnh, Chính phủ cũng sẽ nỗ lực, trước tiên là hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, đóng góp tài năng, trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp chung.

Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, 18 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuyển giao về Bộ Tài chính quản lý là những doanh nghiệp đầu ngành, giữ vai trò vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân. Đồng thời cũng là những doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động đa dạng, tính chất phức tạp, liên quan tới 16 ngành kinh tế - kỹ thuật.

Việc chuyển giao nguyên trạng nhân sự của Ủy ban về Bộ Tài chính để tiếp tục quản lý 18 tập đoàn, tổng công ty sẽ là yếu tố thuận lợi, bảo đảm sự xuyên suốt, nhất quán, cũng như tiến độ trong xử lý các công việc của doanh nghiệp, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định các tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao đều là những "cánh chim đầu đàn", có vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Bộ Tài chính cam kết hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng phân cấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Ông cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa để các tập đoàn, tổng công ty này không chỉ duy trì hoạt động ổn định mà còn đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

18 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao về Bộ Tài chính:

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)

Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba)

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC)

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)

Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1)

Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)

Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor)

Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe)

Hoàng Lam (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT