Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến đến hết năm 2030

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 31/12/2030.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 13900/BTC-CST về việc lấy ý kiến về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN).

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31/12/2030. Nếu được thông qua, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.

Hiện nay, chính sách thuế SDĐNN đã thực hiện được hơn 30 năm và hiện đang miễn thuế đến hết ngày 31/12/2025 theo Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14 của Quốc hội, trừ diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp.

Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến đến hết năm 2030- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đánh giá chính sách thuế SDĐNN qua hơn 30 năm thực hiện cho thấy, đến nay có những quy định không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay như c ách xác định thuế lạc hậu, giá trị thu được thấp (thuế được tính bằng thóc, thu bằng tiền) và phần lớn các nội dung hiện không còn được áp dụng trên thực tế do thi hành chính sách miễn thuế SDĐNN cho toàn bộ diện tích đến hết ngày 31/12/2025.

Mặc dù được ban hành từ năm 1993 nhưng thực tế, từ năm 2001 đến nay, chính sách thuế SDĐNN chỉ thay đổi về quy định ưu đãi thuế (miễn, giảm) nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các địa phương đều cho rằng việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành cho giai đoạn tiếp theo là cần thiết.

Do đó, theo Bộ Tài chính, việc miễn thuế SDĐNN góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Xét cả quá trình giảm thuế vừa qua cho thấy, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Việc miễn thuế SDĐNN trong thời gian qua mặc dù làm giảm thu ngân sách nhà nước nhưng đây là giải pháp khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững; và phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, việc quy định miễn thuế SDĐNN không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO. Việc miễn thuế SDĐNN thời gian qua chưa gặp vướng mắc phát sinh. Các địa phương đều cho rằng việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành cho giai đoạn tiếp theo là cần thiết.

Do đó, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN, hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31/12/2030.

Bộ Tài chính đánh giá, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030 thì số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Khánh Hân (t/h)

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT