Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Giải quyết “điểm nghẽn” đưa nền kinh tế vượt bão
Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có chia sẻ về những nỗ lực của ngành trong hành trình đưa con tàu kinh tế vượt bão”.
ĐS&PL: Những khó khăn trong năm 2023 đã tác động tới lĩnh vực công thương như thế nào và ngành Công Thương đã nhìn nhận, ứng phó ra sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự báo; lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu giảm sút, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.
Đặt trong tương quan so sánh, nếu nhìn mức tăng trưởng của kinh tế thế giới là 2,9%; EU là 0,8%..., hay trong khu vực ASEAN chỉ có Philipines tăng cao hơn Việt Nam thì thấy có thể đánh giá mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam là rất đáng ghi nhận.
Với ngành Công Thương, những khó khăn tác động trực tiếp phải kể đến việc xuất khẩu và sản xuất công nghiệp bị suy giảm mạnh những tháng đầu năm - trong 2 tháng đầu của năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9%, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua.
Chưa kể, mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và liên ngành còn hạn chế; tăng trưởng thương mại nội địa tuy đạt cao nhưng chưa bằng mức tăng trưởng các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19… Những hạn chế này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Song, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2023, ngành Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, thách thức; chủ động, sáng tạo, tập trung xây dựng, triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ được giao và đạt những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.
ĐS&PL: Xuất nhập khẩu năm 2023 tuy chưa đạt được những con số cao và đồng đều như năm 2022 nhưng đó là một nỗ lực lớn, thậm chí trong đó còn có kỳ tích lần đầu đạt được như xuất siêu kỷ lục cao nhất trong nhiều năm qua. Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thực tế, khi chúng ta khép lại năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 371 tỷ USD thì có một số đánh giá khá lạc quan về triển vọng của năm 2023. Nhưng Bộ Công Thương đã sớm có sự nhận diện, dự báo đúng và chính xác những khó khăn của kinh tế thế giới ngay từ những ngày đầu 2023 để góp phần tham mưu cho Chính phủ kịp thời sớm xây dựng các kịch bản ứng phó một cách chủ động, linh hoạt.
Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 327,5 tỷ USD. Thẳng thắn nhìn nhận, con số tăng trưởng này chưa được như kỳ vọng, cũng chưa chạm tới mục tiêu đề ra cho năm 2023, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm đã cho thấy sự nỗ lực của Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu.
Tôi có thể lấy ví dụ về việc chọn thị trường Trung Quốc là điểm đột phá. Ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt tốt cơ hội khi Trung Quốc chấm dứt chính sách zero-Covid và mở cửa nền kinh tế.
ĐS&PL: Vậy Bộ trưởng dự báo thế nào về những khó khăn trong năm 2024 - một năm được đánh giá là vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều những kịch bản khó lường và giải pháp mà Bộ Công Thương đã xây dựng để ứng phó với biến động?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2024, Bộ Công Thương tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế; trước mắt, tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Kế hoạch thực hiện 4 Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản.
Khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như: Luật phát triển công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi) và cơ chế, chính sách về điện mặt trời mái nhà, mua bán điện trực tiếp, khung giá các loại hình điện năng….
Chúng tôi cũng chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Một nhiệm vụ khác chính là đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện cơ cấu lại ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như sản xuất chíp, chất bán dẫn, khai thác chế biến khoáng sản…
Cùng đó, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
ĐS&PL: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã chia sẻ!
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống & Pháp luật số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024.