Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra cơ hội 'ngàn năm có một' nếu quốc gia nào nắm bắt được sẽ thành công: 'Đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn là mục tiêu chiến lược'
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn là mục tiêu chiến lược. Nếu quốc gia nào nắm bắt được sẽ thành công tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, từ đó, phát triển, hiện đại hóa đất nước.
Tại tọa đàm "Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn" chiều 9/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nghe các tham luận của đại diện địa phương, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp về thực trạng, giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn, ví nó như "trái tim" của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao.
Từ thực tế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Đề án "Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".
Một trong những mục tiêu quan trọng được Bộ trưởng nhấn mạnh là đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, 15.000 lao động sẽ được phục vụ cho công đoạn thiết kế.
Tại sao đào tạo nguồn nhân lực là mục tiêu quan trọng, ông Dũng lý giải, để tham gia vào chuỗi công nghiệp bán dẫn của thế giới, Việt Nam có thế mạnh về nguồn nhân lực, nhưng là nhân lực đã qua đào tạo.
"Cả thế giới hiện nay đều thiếu nguồn nhân lực, mà Việt Nam thì lại có. Do đó, việc tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này là một vấn đề mang tính chiến lược. Ai nắm lấy, ai đào tạo được, ai có được người đấy sẽ thành công. Đất nước quốc gia sẽ thành công. Nếu không, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng còn đánh giá cao vai trò của thu hút đầu tư để tạo hệ sinh thái toàn diện cho ngành này. Song song đó, một điều kiện khác để phát triển công nghiệp bán dẫn là đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
"4 yếu tố cần được quan tâm hiện nay là chiến lược, thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. 4 yếu tố này sẽ quyết định chúng ta có thể tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn hay không? Có thể tận dụng tối đa cơ hội này không?", ông Dũng nói.
Bên cạnh việc nhấn mạnh các "điều kiện cần" cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Chí Dũng cũng đánh cao sự đồng hành và ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương, các viện trường đại học đã có nhiều hoạt động để phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng các chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Kết lại chương trình, ông Dũng kêu gọi "mỗi người trong số các sinh viên, giảng viên, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp liên quan, hãy nắm lấy cơ hội này với niềm đam mê và quyết tâm cao" khi đứng trước ngưỡng cửa gia nhập sân chơi bán dẫn toàn cầu.
Bên cạnh phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại diện đại phương, doanh nghiệp, nhà trường cũng đưa ra các quan điểm để phác họa bức tranh phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn.
Trong bài tham luận, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết Đà Nẵng đang tập trung vào ba nhóm giải pháp gồm: xây dựng các cơ sở pháp lý tạo ra chính sách thu hút đầu tư; chuẩn bị quỹ đất, cơ sở hạ tầng; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo, phát triển nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Còn ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM lại tin rằng, việc tham gia của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết. Sự tham gia và hợp tác này giúp nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho học viên sau khi tốt nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường.
"Mô hình hợp tác như hiện nay giữa NIC và Đại học Quốc gia TP HCM cùng FPT và các trường đào tạo, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp cần được nhân rộng", ông Quân nói.
Theo thông tin từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, mô hình đào tạo kết hợp giữa 3 nhà: Nhà nước (bao gồm các cơ quan trung ương và địa phương) - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, mỗi năm có thể đào tạo được khoảng 540 kỹ sư thiết kế vi mạch. Nếu nhân rộng mô hình này tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, mỗi năm sẽ có thể đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chất lượng. Đến năm 2030, cả nước có thể đào tạo được ít nhất là 25.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Điều này cho thấy mục tiêu đến năm 2030 chúng ta sẽ đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn là khả thi.