Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu muốn đầu tư vào Việt Nam trong ngành chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng về tình hình kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra vào sáng nay.
Điểm sáng kinh tế 4 tháng đầu năm
Vào sáng 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Theo chương trình, phiên họp tập trung đánh giá về hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại buổi họp về tình hình kinh tế vĩ mô 4 tháng 2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Giải ngân đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đưa lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.
Bên cạnh đó, tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn thực hiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%.
"Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 4 tháng tăng lần lượt là 15,2%, 15% và 15,4% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,4 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng cao.
Không chỉ vậy, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, một trong những điểm sáng của nền kinh tế là hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 2,9%).
Đồng thời, tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực hơn, tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 81.300 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 25.500 doanh nghiệp, giảm 5,3%.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng về kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, khó khăn, thách thức còn rất lớn, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, nhất là trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.
8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 5 và quý II, Bộ trưởng đã lưu ý đến 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính.
Thứ nhất, chuẩn bị tốt các dự án luật, nghị quyết, báo cáo, nội dung tiếp thu, giải trình với Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, nhất là các nghị quyết báo cáo Quốc hội bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 7.
Thứ hai, khẩn trương ban hành, trình Chính phủ trong tháng 5 các văn bản hướng dẫn thi hành các luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở; hoàn thiện hồ sơ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 cho phép sớm có hiệu lực trong tháng 7.
Thứ ba, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
Thứ tư, thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo; chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, thận trọng, chắc chắn, chủ động phương án ứng phó với các tình huống có thể phát sinh.
Thứ sáu, cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển.
Thứ bảy, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy nhanh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề có tính liên ngành...
Cuối cùng, chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...
Đồng thời, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tiếp tục củng cố và không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.