Boeing - 'Biểu tượng của nước Mỹ' sa sút chưa từng có: Hết giẻ vụn sót lại trong thùng nhiên liệu đến bu lông bánh lái bị lỏng, khách hàng sợ không dám bay
Hãng sản xuất này đang gặp vấn đề nghiêm trọng về kiểm soát chất lượng.
Tháng 10, Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun vội tập hợp các nhân viên nhà máy sau sự cố cửa thoát hiểm. Tai nạn tiếp tục giáng đòn lên danh tiếng một công ty từng nổi tiếng với những chiếc máy bay tuyệt vời.
“Nhiều người thắc mắc liệu chúng tôi có đang lỡ bước hay không. Tôi thấy điều đó hoàn toàn không đúng”, Calhoun nói và tiếp tục ca ngợi sự nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất máy bay. “Tôi tự hào về đội ngũ của mình và tin tưởng rằng chúng tôi sẽ có thể đưa Boeing đi đúng hướng”.
Tuy nhiên gần đây, chỉ hơn nửa giờ đồng hồ sau khi cất cánh từ thành phố Portland, bang Oregon, chiếc Boeing 737 Max 9 đã phải quay trở lại Portland vì sự cố: cửa thoát hiểm giữa cabin phía sau tách hoàn toàn khỏi máy bay. 177 hành khách và thành viên phi hành đoàn đều hạ cánh an toàn, song sự việc cho thấy hành trình lấy lại danh tiếng của Boeing phía trước còn rất xa.
Hiện tại, Boeing đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Cục Hàng không Liên bang cũng như sự giám sát kéo dài hàng tháng trời của quốc hội và giới truyền thông. Sẽ mất rất nhiều năm để công ty này tìm lại những gì đã mất, thậm chí tạm dừng hoạt động một thời gian trước khi mọi thứ ổn thỏa.
“Họ đã gặp vấn đề về kiểm soát chất lượng từ lâu. Họ cần nhận ra những vấn đề mà họ gặp phải”, Tim Clark, chủ tịch Emirates, một trong những khách hàng quan trọng nhất của Boeing, cho biết.
Quản lý cấp cao nhanh chóng nắm bắt được mức độ nghiêm trọng của tình hình. Hội đồng quản trị đã nhận được bản cập nhật đầu tiên chỉ trong vòng vài giờ sau khi chiếc máy bay 737 Max gặp sự cố. Giám đốc Calhoun đã tập hợp lãnh đạo cấp cao và các chuyên gia kỹ thuật để bàn về bước đi tiếp theo. Cuộc khủng hoảng luôn được theo dõi chặt chẽ.
Chủ tịch Boeing Larry Kellner cho biết ủy ban an toàn được thành lập sau vụ tai nạn có nhiệm vụ theo sát phản ứng của hội đồng quản trị. Đại diện hãng sản xuất máy bay cũng khẳng định đang hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra.
Boeing hiện phải đối mặt với một số quyết định chiến lược khó khăn. Điều cấp bách nhất là tương lai dòng 737 Max, trong bối cảnh khách du lịch rục rịch đi chơi trở lại. Boeing và nhiều hãng hàng không không thể đưa ra giải pháp thay thế nhanh chóng bởi đây là một phần không thể thiếu trong đội bay toàn cầu. Danh sách chờ cho chiếc máy bay thay thế, Airbus A320neo, đã kéo dài vài năm.
Trước đó, Boeing công bố thỏa thuận mới với Spirit AeroSystems cùng với các chi nhánh để kết hợp nguồn lực hậu mãi, mở rộng dịch vụ MRO (Bảo trì, Sửa chữa & Vận hành) nhằm hỗ trợ hệ thống điều khiển và sửa chữa cho các máy bay 737 MAX trên toàn cầu. Sau sự cố với Boeing 737 Max, mối quan hệ này ít nhiều có thể bị ảnh hưởng.
Boeing thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng tại cơ sở ở Renton, Washington, trong khi phần lớn công đoạn trên chiếc 737 diễn ra cách đó hơn 1.400 dặm về phía đông ở Wichita, Kansas. Nhà thầu phụ chế tạo 70% khung máy bay cho 737 Max trước khi gửi thân máy bay tới Tây Bắc.
Trước đó, Spirit Aero được tách ra khỏi Boeing vào năm 2005 trong nỗ lực tinh gọn hóa. Thời điểm khó khăn nhất hồi năm 2020, Spirit Aero cắt giảm 6.800 nhân viên và áp dụng chế độ làm việc 4 ngày một tuần để bảo toàn tiền mặt.
“Thoái vốn Spirit là một quyết định sai lầm. Boeing lẽ ra phải mua lại bằng bất cứ giá nào”, Jeffrey Sonnenfeld, đại diện Trường Quản lý Yale, cho biết.
Khách hàng cho rằng Boeing cần thuyết phục nhân viên, hãng hàng không và cả các nhà đầu tư rằng trọng tâm số 1 của họ vẫn là sản xuất những chiếc máy bay tốt nhất.
Cổ phiếu hãng ghi nhận đợt sụt giảm tồi tệ nhất vào ngày 8/1 và trong khi xét trên toàn bộ năm 2023 thì đã mất 16% giá trị. Trong khi đó, cổ phiếu của hãng đối thủ Airbus lại tăng 6,7% tính đến đầu năm nay.
Tai họa với Alaska Airlines khiến ban lãnh đạo thêm căng thẳng. Ông Calhoun đã cố kìm nước mắt khi nói chuyện với các công nhân ngày 9/1, nơi Chủ tịch Kellner phát biểu kêu gọi 150.000 nhân viên Boeing tăng cường đảm bảo an toàn.
“Đây không phải là một bài giảng. Đây là lời nhắc nhở về sự nghiêm túc mà chúng ta phải thực hiện”, ông Calhoun nói.
Theo thông tin nội bộ, Boeing hiện không lên kế hoạch cải tổ vội vàng bộ phận quản lý mà chọn cách tiếp cận toàn diện hơn. Tuy nhiên, một số người cho rằng hội đồng quản trị Boeing đã thảo luận về việc thay đổi các vị trí quản lý.
Stan Deal, người điều hành các hoạt động vận hành máy bay thương mại, là nhân vật dễ bị tổn thương nhất. Nhiệm kỳ của ông Calhoun cũng không rõ ràng vì Boeing gần đây đã bổ nhiệm Stephanie Pope làm giám đốc điều hành mới.
“Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi đánh giá cao tất cả sự tập trung của ban lãnh đạo và đội ngũ khi nỗ lực để tiến lên phía trước”, Chủ tịch Kellner nói.
Boeing liên tiếp gặp vấn đề với các dòng máy bay trong thời gian qua, từ giẻ vụn, dụng cụ còn sót lại trong thùng nhiên liệu cho đến bu lông bánh lái bị lỏng. Hệ thống sản xuất những chiếc 737 từng được đánh giá cao của công ty đã bị ảnh hưởng nặng nề do luân chuyển công nhân.
Darren Straker, cựu giám đốc điều tra tai nạn máy bay của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Hồng Kông, người gần đây nhất làm việc cho nhà sản xuất máy bay Trung Quốc Comac, cho biết: “Họ đang gặp vấn đề về kiểm soát chất lượng, không chỉ với chương trình 737”.
“Đã đến lúc phải kiểm tra lại bộ máy quản lý và đánh giá mọi rủi ro an toàn liên quan”, Quản trị viên FAA Mike Whitaker cho biết trong một tuyên bố thông báo về việc cơ quan này tăng cường giám sát hoạt động của Boeing.
Trước đó, hai vụ tai nạn của máy bay Boeing 737 MAX vào năm 2018 và 2019 đã khiến các máy bay loại này trên khắp thế giới phải dừng hoạt động trong gần 2 năm. Các vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm hành khách, đồng thời kích hoạt sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý và lập pháp liên bang Mỹ.
Theo: Bloomberg