Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Bốn chính sách về kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2023

Hà Thị Lưu Luyến

Sửa đổi quy định với cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng hay quy định điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh... là một số chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2023.

Sửa quy định đối với cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05/2023/TT-NHNN ngày 22/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2023.

Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 11 quy định đối với cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng:

1. Không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

2. Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.

3. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2, cổ đông sáng lập là cá nhân phải tuân thủ các quy định sau đây: a) Mang quốc tịch Việt Nam; không thuộc những đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức.

4. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cổ đông sáng lập là tổ chức phải tuân thủ các quy định sau đây: Được thành lập theo pháp luật Việt Nam; Kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

Đối với tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam (trừ ngân hàng thương mại Việt Nam): Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp;

Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật có liên quan;

bon-chinh-sach-ve-kinh-te-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-8-2023-1690771947.jpg
Ảnh minh họa

đ) Đối với ngân hàng thương mại Việt Nam:

- Có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;

- Không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;

- Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

- Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

Quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới ban hành Thông tư 04/2023/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.

Thông tư quy định, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đặt tại khu vực chờ xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính được bán tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt cho cá nhân nước ngoài đã làm xong thủ tục xuất cảnh.

Trường hợp bán tiền của nước có chung biên giới có giá trị tương đương từ 20 triệu đồng trở xuống, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới yêu cầu cá nhân xuất trình các giấy tờ xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của người nước ngoài.

Trường hợp bán lại tiền của nước có chung biên giới có giá trị tương đương trên 20 triệu đồng cho cá nhân đã đổi tiền của nước có chung biên giới, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới yêu cầu cá nhân xuất trình giấy tờ xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của người nước ngoài, hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền có đóng dấu của tổ chức tín dụng được phép hoặc đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.

Hạn mức tiền của nước có chung biên giới cá nhân được mua lại tối đa không quá số tiền đã đổi ghi trên hóa đơn (biên lai).

Quy định mới về nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền

NHNN đã ban hành Thông tư 07/2023/TT-NHNN ngày 30/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-NHNN quy định việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của NHNN. Thông tư 07/2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 14/8/2023.

Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 4 quy định về căn cứ và thủ tục nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền.

Trên cơ sở văn bản chỉ định và cho phép cơ sở in, đúc tiền được nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này, cơ sở in, đúc tiền thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền quy định tại Phụ lục Danh mục hàng hóa chỉ định cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này như sau:

Đối với hàng hóa là phôi kim loại sử dụng để đúc, dập tiền kim loại; giấy in tiền; mực in tiền; foil chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ, giấy tờ có giá khác thuộc ngành Ngân hàng phát hành và quản lý: Cơ sở in, đúc tiền căn cứ hợp đồng in, đúc tiền giữa cơ sở in, đúc tiền với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa;

Đối với hàng hóa là máy ép foil chống giả; máy in tiền; máy đúc, dập tiền kim loại: Cơ sở in, đúc tiền căn cứ văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 07/2020/TT-NHNN ngày 30/6/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc đầu tư, mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa.

Thống đốc NHNN ủy quyền Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ có văn bản xác nhận việc cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của NHNN theo hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các hình thức văn bản khác giữa cơ sở in, đúc tiền và đơn vị cung cấp hàng hóa.

Khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ sở in, đúc tiền gửi Cơ quan hải quan 01 bản chính văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước kèm hồ sơ hải quan theo quy định pháp luật.

Quy định điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh

NHNN ban hành Thông tư 08/2023/TT-NHNN ngày 30/6/2023 quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8.

Theo đó, các đối tượng áp dụng quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh gồm: người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (bên đi vay); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).

Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế ngoài việc đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đáp ứng điều kiện vay, phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hà Ly (t/h)