Bốn ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 7: VPBank và Techcombank nhập cuộc, một nhà băng đưa lãi suất dưới 6 tháng lên sát trần

Kể từ đầu tháng 7 đến nay, đã có 4 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi. Đáng chú ý, có hai ngân hàng tư nhân lớn đã tham gia xu hướng điều chỉnh này.

Bốn ngân hàng tăng lãi suất huy động

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố tăng lãi suất huy động từ ngày 23/7, đánh dấu lần điều chỉnh thứ 3 liên tiếp trong vòng 3 tháng. Mức tăng 0,1%/năm được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đối với mọi sản phẩm tiền gửi.

Cụ thể, với tiết kiệm tại quầy dành cho khách hàng cá nhân, lãi suất kỳ hạn 12-15 tháng đạt 5%/năm, trong khi kỳ hạn 18-60 tháng lên tới 5,5%/năm. 

Tương tự, tiết kiệm trực tuyến cũng được điều chỉnh tăng 0,1%/năm cho kỳ hạn 12-36 tháng. Từ thứ Hai đến thứ Sáu, lãi suất kỳ hạn 12-15 tháng là 5,2%/năm, kỳ hạn 18-36 tháng đạt 5,7%/năm. Đặc biệt, vào cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật), lãi suất trực tuyến còn hấp dẫn hơn: kỳ hạn 12-15 tháng đạt 5,3%/năm, kỳ hạn 18-36 tháng lên đến 5,8%/năm.

Các kỳ hạn ngắn từ 1-9 tháng được Eximbank giữ nguyên: 4,3%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng, 4,5%/năm cho kỳ hạn 3-5 tháng và 4,9%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng. Riêng cuối tuần, lãi suất trực tuyến kỳ hạn ngắn cũng cao hơn, với 4,6%/năm cho 1-2 tháng, 4,7%/năm cho 3-5 tháng và 5,4%/năm cho 6-9 tháng.

Ngân hàng Thương mại TNHH Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo) tăng 0,2%/năm cho các kỳ hạn từ 1-7 tháng, áp dụng từ ngày 14/7. 

Theo biểu lãi suất trực tuyến mới nhất, VCBNeo áp dụng mức lãi suất cao hơn hẳn so với mặt bằng chung: kỳ hạn 1-2 tháng đạt 4,35%/năm, kỳ hạn 3-4 tháng là 4,55%/năm, kỳ hạn 5 tháng đạt 4,7%/năm và kỳ hạn 6-7 tháng lên tới 5,6%/năm.

Với biểu lãi suất này, VCBNeo là một trong số ít ngân hàng duy trì lãi suất trên 4%/năm cho các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng và sát trần quy định (4,75%/năm).

Bốn ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 7: VPBank và Techcombank nhập cuộc, một nhà băng đưa lãi suất dưới 6 tháng lên sát trần - Ảnh 1.

Sau gần 1 tháng kể từ ngày điều chỉnh giảm, ngày 9/7, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã công bố biểu lãi suất mới, tăng lãi suất huy động 0,1%/năm cho tất cả kỳ hạn từ 1-36 tháng. Theo biểu lãi suất trực tuyến áp dụng cho tài khoản dưới 3 tỷ đồng, lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 3,7%/năm, kỳ hạn 2-5 tháng đạt 3,8%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng lên 4,7%/năm, kỳ hạn 12-18 tháng là 5,2%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng đạt 5,3%/năm.

Bốn ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 7: VPBank và Techcombank nhập cuộc, một nhà băng đưa lãi suất dưới 6 tháng lên sát trần - Ảnh 2.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất ngay từ đầu tháng 7. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng tăng 0,2%/năm, trong khi kỳ hạn 6-36 tháng tăng 0,1%/năm. 

Theo biểu lãi suất trực tuyến dành cho khách hàng thông thường, kỳ hạn 1-2 tháng đạt 3,45%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,75%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng lên 4,65%/năm. Đặc biệt, kỳ hạn 12-36 tháng ghi nhận mức lãi suất cao nhất, đạt 4,85%/năm.

Lãi suất huy động có thể tăng trở lại vào cuối năm 2025

Cùng với 4 ngân hàng điều chỉnh tăng, có 3 ngân hàng giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 7 gồm: BacABank giảm 0,1% tất cả các kỳ hạn và loại hình tiền gửi; VIB giảm 0,1%/năm kỳ hạn 36 tháng tiền gửi tại quầy từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ; BaoVietBank điều chỉnh giảm 0,15-0,2%/năm ở các kỳ hạn 6-13 tháng…

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, đà giảm của lãi suất huy động đã chững lại trong tháng 6 với rất ít ngân hàng điều chỉnh giảm và biên độ giảm hẹp. Trong tháng 6, thị trường chỉ ghi nhận 3 ngân hàng, bao gồm: LPBank, BacABank và VPBank điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1%/ đến 0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn khác nhau.

Đến cuối tháng 6, trung bình lãi suất kỳ hạn 12 tháng của nhóm NHTM giảm 0,17 điểm % so với đầu năm về mức 4,87%/năm, trong khi lãi suất của nhóm các NHTM quốc doanh vẫn giữ ổn định ở mức 4,7%/năm.

Mặc dù mặt bằng lãi suất tiền gửi đã có dấu hiệu ổn định, MBS cho rằng đây chưa phải là mức thấp nhất và vẫn còn dư địa để giảm thêm trong quý III/2025. Điều này dựa trên việc tăng trưởng tín dụng đã tăng mạnh kể từ tháng 4, nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn ổn định và gần đây thậm chí còn cho thấy xu hướng giảm rõ rệt.

"Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống tương đối ổn định, và tình trạng thiếu hụt thanh khoản vào cuối quý 2 chỉ mang tính chất mùa vụ", MBS đánh giá.

Tuy nhiên, theo nhóm phân tích, đến quý IV, lãi suất huy động có thể tăng nhẹ khi tăng trưởng tín dụng thường có xu hướng tăng mạnh về cuối năm. Tính đến cuối quý II, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,3% so với cùng kỳ 2024, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Dựa vào các yếu tố trên, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ dao động quanh mức 4,7%/năm trong năm 2025.

Chứng khoán KB (KBSV) cũng nhận định, mức tăng trưởng cho vay mạnh mẽ đang tạo áp lực thanh khoản cho các ngân hàng. Mặc thanh khoản các ngân hàng được hỗ trợ thông qua việc gia tăng tiền gửi kho bạc tại các ngân hàng quốc doanh (đạt 423 nghìn tính tới tháng 5/2025 và NHNN hỗ trợ thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), để nguồn vốn vẫn ổn định phục vụ cho tăng trưởng tín dụng; KBSV không loại trừ thanh khoản sẽ căng thẳng trong một vài thời điểm – nhất là thời điểm đẩy mạnh tín dụng cuối năm. Do đó, KBSV không loại trừ khả năng lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trở lại từ quý IV/2025.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì nghiêng về kịch bản lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới khi NHNN tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.

Với lãi suất cho vay, VCBS dự báo sẽ duy trì ở ngưỡng thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ. Mặc dù vậy, biến động của lãi suất cho vay vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề và một số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có lịch sử tín dụng yếu có thể vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, thậm chí phải chấp nhận một mức lãi suất cao hơn.

Theo kết quả cuộc điều tra "Xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2025" do NHNN thực hiện, các tổ chức tín dụng ước tính, mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý II/2025, đặc biệt là lãi suất cho vay. Với diễn biến trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND cuối năm nay về cơ bản không thay đổi so với cuối năm 2024.

Quang Hưng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT