BSI trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ
BSI đã phát hành mới gần 9,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, ngoài ra, Công ty phát hành mới hơn 5,6 triệu cổ phiếu để chia thưởng. Sau hai đợt phát hành, vốn điều lệ của BSI được tăng thêm 150 tỷ đồng,
HĐQT CTCP Chứng khoán BIDV (MCK: BSI) vừa thông qua việc tăng vốn điều lệ từ mức 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng, sau khi phát hành mới 15 triệu cổ phiếu bằng việc chia cổ tức và thưởng cổ phiếu.
BSI đã phát hành mới gần 9,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 5% (sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 5 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, theo BCTC năm 2022 đã được kiểm toán của Công ty.
Ngày kết thúc đợt phát hành là 06/07 và ngày dự kiến chuyển giao cổ phiếu trong quý III/2023.
Ngoài ra, Công ty phát hành mới hơn 5,6 triệu cổ phiếu để chia thưởng, tương ứng tỷ lệ 3% (100 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu thưởng). Nguồn vốn phát hành được lấy từ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ, theo BCTC năm 2022 đã được kiểm toán của Công ty.
Sau hai đợt phát hành, vốn điều lệ của BSI được tăng thêm 150 tỷ đồng, từ mức 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng, được chia thành 202,8 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu).
Kế hoạch tăng vốn là một mục tiêu quan trọng đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 của BSI thông qua. Công ty cho biết mục đích tăng vốn điều lệ nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh doanh.
Trên cơ sở tiềm lực tài chính được mở rộng và sự hỗ trợ của đối tác chiến lược Hàn Quốc Hana Securities trong việc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số, nâng cấp hệ sinh thái sản phẩm và tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro, BSC đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 565 tỷ đồng và trở lại Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HOSE, đảm bảo hoạt động diễn ra an toàn, hiệu quả; các tỷ lệ cho vay, đầu tư, hệ số an toàn vốn khả dụng nằm trong giới hạn cho phép theo quy định.
Sau một giai đoạn có phần chững lại, câu chuyện tăng vốn của các công ty chứng khoán đang dần “nóng” trở lại sau mùa họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đến thời điểm hiện tại, thị trường đã ghi nhận một số kế hoạch tăng vốn trong năm nay, tuy chưa quá ồ ạt song vẫn xuất hiện những kế hoạch tăng vốn bằng lần thông qua phát hành thêm cổ phiếu.
Trong giai đoạn thị trường chứng khoán trầm lắng, thanh khoản ở mức khá thấp như hiện tại, phương án phát hành gọi vốn mới từ cổ đông hiện hữu nhìn chung có phần khó khả thi. Bên cạnh đó, thủ tục xin phát hành tăng vốn cũng rất phức tạp. Vì vậy, phần lớn các công ty chứng khoán chọn phương án phát hành riêng lẻ hay phát hành cổ phiếu trả cổ tức để tăng vốn.
Trên thực tế, động thái chào bán cổ phiếu qua đó tăng vốn chủ sở hữu được nhận định sẽ giúp các công ty chứng khoán sẵn sàng cho các hoạt động kinh doanh bởi lẽ vốn chủ sở hữu có liên quan mật thiết tới các nghiệp vụ cốt lõi như cho vay ký quỹ hay tự doanh.
Theo quy định hiện hành, dư nợ cho vay margin tối đa không được vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu; với một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu hay dư nợ một mã cổ phiếu không được quá 10% vốn chủ sở hữu của một công ty chứng khoán.
Đáng chú ý, những phương án phát hành thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc chia cổ phiếu thưởng chỉ giúp tăng vốn điều lệ chứ không tăng vốn chủ sở hữu.
Do đó, việc tăng vốn bằng cách này sẽ không có tác dụng nâng cao nguồn lực tài chính của công ty chứng khoán, tăng dư địa cho các nghiệp vụ.
Ở khía cạnh khác, làn sóng tăng vốn của các công ty chứng khoán không chỉ đơn thuần bổ sung vốn hoạt động cốt lõi như cho vay, tự doanh mà thực tế còn liên quan tới việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Hiện tại, luật quy định tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của một công ty chứng khoán không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu. Do đó, nếu các công ty chứng khoán muốn tăng đầu tư vào kênh trái phiếu sẽ cần tăng vốn điều lệ, qua đó tăng vốn chủ sở hữu lên.
Theo thống kê, không ít công ty chứng khoán có khoản mục đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp lớn, đặc biệt là một số công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái của ngân hàng. Các ví dụ nổi bật có thể kể ra như VPBank Securities- công ty con của Ngân hàng VPBank tại thời điểm cuối quý II/2023 nắm giữ 10.081 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, 714 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết; TCBS với 100% vốn thuộc Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đang sở hữu lượng trái phiếu khoảng 13.460 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2023, tăng 87% so với mức hơn 7.210 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Trong đó, đa phần là trái phiếu chưa niêm yết (12.570 tỷ đồng).
Đây đều là những công ty dự kiến sẽ tăng vốn mạnh nhất nhóm công ty chứng khoán.
Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định dòng tiền lớn đã trở lại nhưng rõ ràng những nhịp tăng của thị trường thời gian gần đây cộng thêm thanh khoản đang dần cải thiện là một tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán.
Điều này cũng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tình hình kinh doanh cũng như các mảng hoạt động của công ty chứng khoán thời gian tới. Về dài hạn, quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư tại Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh. Do vậy, khi thị trường phục hồi trở lại, cuộc đua tăng vốn chắc sẽ còn “nóng” hơn nữa.