Bức tranh nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng nửa đầu năm 2023

Tính đến hết quý II/2023, một ngân hàng tăng gấp đôi số dư nợ xấu so với cuối năm ngoái, ngược lại chỉ 2 ngân hàng có số dư nợ xấu giảm. Ngoài ra, 8 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3%.

Chỉ 2 ngân hàng có số dư nợ xấu giảm

Thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2023, tổng nợ xấu của 29 ngân hàng tính đến hết quý II ở mức gần 220.000 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cuối năm trước. Trong đó chỉ có 2 đơn vị ghi nhận nợ xấu giảm so với đầu năm. Số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng trên 50%, thậm chí có ngân hàng tăng gấp đôi so với cuối năm trước.

Về quy mô nợ xấu, VPBank đang là ngân hàng có nợ xấu lớn nhất với 31.864 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm 2022. Mặc dù, nợ có khả năng mất vốn có cải thiện, giảm 30% xuống còn 4.989 tỷ đồng. Nhưng nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ lại tăng mạnh lên lần lượt 45% và 53% lên 11.502 tỷ đồng và 15.371 tỷ đồng.

Xếp sau lần lượt là các thành viên thuộc nhóm Big 4, BIDV ghi nhận 25.970 tỷ đồng, tăng 47%, riêng nợ nghi ngờ nhân đôi lên gần 5.300 tỷ đồng. Agribank ở mức 25.945 tỷ đồng, tăng 9%.

buc-tranh-no-xau-toan-he-thong-ngan-hang-nua-dau-nam-2023-1691466671.jpeg
Chỉ có 2/29 ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu giảm so với cuối năm ngoái. Ảnh minh họa

Xét về tốc độ tăng trưởng nợ xấu, TPBank là đơn vị ghi nhận mức tăng mạnh nhất lên tới 188% lên hơn 3.900 tỷ đồng. Trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) ghi nhận tăng 458%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 142% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 26%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng tính đến 30/6/2023 cũng tăng lên 2,21% từ mức chỉ 0,84% vào đầu năm.

Xếp thứ hai là Sacombank (STB) ghi nhận dư nợ xấu tại thời điểm hết quý II/2023 đã tăng 3.927 tỷ đồng, tương đương tăng 91% lên 8.226 tỷ đồng, thuộc top 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất hệ thống. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng vọt hơn 4 lần, nợ nhóm 4 tăng 2,6 lần và nợ nhóm 5 tăng 31%. Tỷ lệ nợ xấu của STB theo đó cũng tăng lên 1,79% từ mức chỉ 0,98% hồi đầu năm.

Xếp thứ ba là Nam A Bank (NAB), dư nợ xấu tăng 81%, tương đương tăng 1.570 tỷ đồng lên 3.515 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 10,5 lần, nợ nhóm 4 tăng 2,6 lần và nợ nhóm 5 tương đương đầu năm.

Ngoài ra trong nhóm nợ xấu tăng cao còn có VietABank (tăng 74%, lên 1.659 tỷ đồng), MSB (tăng 70%, lên 3.496 tỷ đồng), LPBank (tăng 65%, lên 5.656 tỷ đồng), Techcombank (tăng 65%, lên 5.002 tỷ đồng)…

Nhóm ngân hàng tư nhân còn lại VIB, ACB, OCB, ABBank, Eximbank… cùng ghi nhận nợ xấu tăng trên 50%. Nhóm ngân hàng có nợ xấu tăng dưới 50% như: BacABank (tăng hơn 32%, lên xấp xỉ 679 tỷ đồng); PGBank (tăng 13% lên hơn 839 tỷ đồng); SaigonBank (tăng 11% lên mức 441 tỷ đồng)...

Ở chiều ngược lại, chỉ có hai ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm. Trong đó, Kienlongbank ghi nhận nợ xấu giảm 7%, xuống còn 789 tỷ đồng nhờ nợ có khả năng mất vốn giảm 20%, còn 517 tỷ đồng. 

Còn SHB, nợ xấu giảm 3% còn hơn 10.481 tỷ đồng, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn cải thiện giảm 22% còn 5.745 tỷ đồng.

8 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3%

Mặt khác, tính đến hết 30/6, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 28 ngân hàng ở mức 2,02%, tăng 0,41 điểm % so với đầu năm. Có 8/28 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên ngưỡng 3%. 

Trong đó, ABBank tăng từ 2,88% đầu năm lên 4,55%. Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với tỷ lệ nợ xấu 3,88% (theo báo cáo tài chính riêng quý II/2023). Thứ tư là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) với tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 3,86%, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2022.

Những vị trí tiếp theo trong Top 10 lần lượt thuộc về Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB); Ngân hàng TMCP Bản Việt (VBB); Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGB); Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); Ngân hàng TMCP Nam Á (NamAbank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tỷ lệ nợ xấu dao động quanh mức 3%.

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát. Trong đó, Vietcombank có tỷ lệ 0,83%, dù thấp nhất hệ thống nhưng đã tăng 0,15 điểm %. VietinBank nhích tăng nhẹ từ 1,24% lên 1,27%. BIDV tăng từ 1,16% lên 1,59%. Agribank tăng từ 1,64% lên 1,77%.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu trung bình giảm

Trước áp lực tăng nợ xấu, nhiều ngân hàng cũng đồng thời nâng bộ đệm dự phòng rủi ro. Dù vậy, trong quý II/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (tính bằng Số dư dự phòng nợ xấu/Tổng dư nợ xấu) trung bình giảm từ 127% còn 105%. Có 23/28 ngân hàng ghi nhận chỉ số này giảm so với đầu năm. 

Theo đó, MB ghi nhận tỷ lệ bao phủ giảm 82 điểm %, xuống còn 156%, do đó lui về vị trí thứ 4 trong bảng xếp hàng bao phủ nợ. Trong khi thời điểm cuối năm 2022 MB có tỷ lệ bao phủ ở mức 238%, đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau Vietcombank.

TPBank cũng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 135% xuống còn 61%. LPBank và BIDV cùng có mức giảm 64% xuống lần lượt còn 78% và 153%.

Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân tỷ lệ bao phủ nợ xấu quý II lên tới 385,7% vào cuối quý 2/2023, tăng 68,9 điểm% so với cuối năm ngoái. Vietcombank cũng là nhà băng ghi nhận tỷ lệ bao phủ tăng duy nhất trong Top 10 tỷ lệ bao nợ xấu.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT