Bức tranh tài chính kém sắc của công ty mẹ HAG: Quý II/2023 lỗ 65 tỷ đồng, mỗi ngày gánh lãi vay trái phiếu gần 2 tỷ
Trong kỳ, lợi nhuận gộp không đủ bù chi khiến HAG báo lỗ ròng 65 tỷ đồng, lỗ lũy kế tăng từ 3.538,5 tỷ lên mức gần 3.624 tỷ đồng. Đồng thời, trong 1 năm tới, doanh nghiệp của bầu Đức phải chịu áp lực thanh toán gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn.
Báo cáo tài chính riêng ghi nhận tình hình kinh doanh của công ty mẹ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (MCK: HAG) không mấy khả quan khi ghi nhận khoản lỗ luỹ kế sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối quý II/2023 là xấp xỉ 3.624 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến công ty mẹ HAG kinh doanh thua lỗ có thể do nợ nần bào mòn lợi nhuận.
Tổng nợ phải trả đến ngày 30/6 của HAG là 9.424,8 tỷ đồng, tăng 4,1% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn là nợ vay ngắn hạn với 5.417 tỷ đồng. Hệ số khả năng thanh toán của HAG đang là 0,4 cho thấy tình hình tài chính của doanh nghiệp đang gặp khó khăn, khả năng thanh toán của HAG không tốt, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp không đủ để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và các khoản nợ đến hạn trả.
Đáng chú ý, chi phí lãi vay kỳ của HAG này ghi nhận ở mức 3.303,3 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay ngắn hạn tăng thêm 13,4% ở mức 2.894,8 tỷ đồng, do chi phí lãi trái phiếu tăng 14%, lên 2.871 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày HAG đang gánh khoản lãi trái phiếu gần 2 tỷ đồng.
Trong số tổng nợ phải trả của HAG có 5.544,2 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Trong đó, trái phiếu dài hạn là 3.584,2 tỷ đồng, trái phiếu đến hạn trả trong vòng một năm là 1.960 tỷ đồng. Như vậy, áp lực trả nợ của công ty mẹ HAG đang rất lớn.
Trong kỳ, doanh thu thuần của công ty sụt giảm nghiêm trọng, từ 46,7 tỷ đồng trong quý II/2022 về còn 7,6 tỷ đồng trong quý II năm nay. Giá vốn trong kỳ giảm tương ứng về còn 6 tỷ đồng. Qua đó, lợi nhuận gộp giảm hơn 2,6 tỷ đồng (tương ứng 63%) về còn 1,5 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính quý này của HAG ghi nhận đạt 132,8 tỷ đồng, tăng 29,8% so với cùng kỳ, do khoản lãi cho vay ghi nhận tăng lên mức xấp xỉ 131 tỷ (cùng kỳ ghi nhận khoản này đạt 95,3 tỷ đồng). Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính đều biến động lớn.
Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm tới 498 tỷ đồng, về còn xấp xỉ 18 tỷ đồng do công ty giảm hoàn nhập dự phòng các công nợ phải thu. Khoản này không phát sinh trong quý Il/2023.
Chi phí tài chính cũng ghi nhận giảm 559 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, về còn 178,7 tỷ đồng. HAG cho biết, nguyên nhân chủ yếu do trong quý II/2023 dự phòng giảm giá khoản đầu tư vào Nhóm Công ty HNG giảm so với cùng kỳ năm 2022. Ngược lại, chi phí lãi vay trong kỳ tăng thêm 23,9%, lên 148,2 tỷ đồng.
Do trong kỳ Công ty không trực tiếp sản xuất kinh doanh nên lợi nhuận gộp không đủ để bù đắp chi phí, sau cùng, HAL lỗ tới 65 tỷ đồng trong quý II, tuy nhiên đã giảm 1 nửa số tiền lỗ so với cùng kỳ năm ngoái, lỗ tới 130,8 tỷ đồng.
Bán niên năm 2023, HAG ghi nhận doanh thu thuần đạt 23,3 tỷ đồng, giảm 70,3%, lỗ sau thuế 84,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 91,2 tỷ đồng).
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của HAG đạt 15.354,7 tỷ đồng, tăng thêm 283,2 tỷ so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 64,1% về mức 2.282 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản tiền đã giảm 67,4% so với đầu năm, về còn xấp xỉ 10 tỷ đồng. Phải thu về cho vay ngắn hạn cũng giảm 74,6%, về còn xấp xỉ 1.126 tỷ đồng, trong đó khoản cho vay ngắn hạn các công ty con giảm về còn 180 tỷ đồng (giảm 75,2%). Giá trị hàng tồn kho cũng giảm hơn một nửa, về còn 3,1 tỷ đồng.
Ngược lại, tài sản dài hạn kỳ này tăng thêm 51,6%, lên mức 13.054 tỷ đồng, tăng mạnh ở khoản phải thu dài hạn tăng 52,2%, lên mức 3.016,5 tỷ đồng.
Đầu tư tài chính dài hạn tăng xấp xỉ 54%, lên 9.815,5 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào công ty con tăng 51,1%, lên 10.113 tỷ đồng. Cụ thể là trong quý II/2023, HAG đã đầu tư vào công ty vào CTCP Lê Me 3.450 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu là 87,74%, đồng thời HAG thoái toàn bộ vốn góp 27,5 tỷ đồng từ CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai.
Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai ông Đoàn Nguyên Đức từng cho biết Lê Me đang nắm giữ 5.000 ha đất tại Campuchia trong đó có 3.000 ha đã hoàn tất thủ tục, 2.000 ha đang làm thủ tục. Bên cạnh đó, Lê Me cũng dự kiến xin thêm 5.000 ha đất tại Campuchia, nâng tổng quỹ đất lên 10.000 ha.
Khoản đầu tư vào công ty liên kết của HAG kỳ này tăng gấp 6,4 lần, lên 32 tỷ đồng. Tuy công ty mẹ tiếp tục thua lỗ trong quý II/2023, nhưng báo cáo tài chính hợp nhất của HAG vẫn ghi nhận lãi ròng đạt 102 tỷ đồng, giảm 61,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, riêng quý II/2023, HAG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu trái cây giảm 12,7% xuống còn gần 561 tỷ đồng nhưng doanh thu từ bán heo và bán hàng hoá dịch vụ ghi nhận tăng trưởng 71% và 37%, lần lượt lên mức 445,4 tỷ và 443,6 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 5,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 10,1 tỷ đồng, lên 185,7 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu tài chính của HAG tăng 12,4%, tương ứng tăng thêm 11,9 tỷ đồng, lên 107,2 tỷ đồng.
Khi so sánh với quý II/2022, có 2 khoản mục chi phí trong quý II/2023 của HAGL giảm mạnh nhất là chi phí tài chính và chi phí bán hàng.
Mặc dù chi phí lãi vay tăng 19% nhưng tổng chi phí tài chính đã giảm tới 59%, tương ứng 513 tỷ đồng, xuống 362,9 tỷ đồng. Theo HAG, nguyên nhân chủ yếu do dự phòng giảm giá khoản đầu tư vào nhóm công ty HNG giảm so với cùng kỳ 2022. Chi phí bán hàng trong kỳ của HAG chỉ còn hơn 46 tỷ đồng, giảm tới 49% so với quý II năm ngoái.
Tuy nhiên, do không có giảm hoàn nhập dự phòng các công nợ phải thu như quý II/2022 nên chi phí quản lý quý II năm nay tăng đáng kể, khiến HAG ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 163 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kỳ này HAG lại ghi nhận lợi nhuận khác đạt hơn 247 tỷ đồng (cùng kỳ âm hơn 31 tỷ). HAG cho biết là do công ty giao dịch mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven.
Luỹ kế 6 tháng năm 2023, HAG ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.147 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 405 tỷ đồng, giảm 22%.
Trong cơ cấu doanh thu, ngành chăn nuôi đóng góp 1.007 tỷ đồng; ngành cây ăn trái là 1.271 tỷ đồng và ngành phụ trợ là 869 tỷ đồng.
Về sản lượng tiêu thụ từng ngành: Ngành chăn nuôi đạt 197.299 con heo thịt và ngành cây ăn trái đạt 103.759 tấn. Trong đó, chuối xuất khẩu đạt 82.392 tấn và chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc là 21.367 tấn. Mặc dù có lãi trong nửa đầu năm 2023 nhưng tới 30/6/2023, HAG vẫn còn lỗ luỹ kế 2.947 tỷ đồng và ghi nhận lỗ tỷ giá hối đoái 1.431,4 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của HAGL đạt 21.342 tỷ đồng. Tổng nợ ở mức 15.954 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn là hơn 10.434 tỷ và dài hạn là 5.520 tỷ đồng
Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối quý II/2023, tiền gửi ngân hàng và tiền mặt tại quỹ của Công ty đã giảm từ 72,37 tỷ đồng, xuống chỉ còn 50,08 tỷ đồng.
Tổng khoản vay ngắn hạn và dài hạn của HAG đến cuối quý II là 8.084 tỷ đồng. Trong đó công ty vay ngắn hạn ngân hàng 1.225,7 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. 2 khoản vay lớn nhất của HAG là từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (712,3 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (511,8 tỷ đồng). Ngoài ra, HAG còn 5.544,2 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.
Khoản vay dài hạn ngân hàng của HAG ghi nhận 1.175,8 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với đầu năm. Nhiều nhất là khoản vay từ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (586,8 tỷ đồng), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (273,3 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (226 tỷ đồng).
Ở diễn biến khác, Tuy còn lỗ luỹ kế 2.947 tỷ đồng nhưng HĐQT HAG mới đây đã thông qua việc sử dụng các biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ tín dụng của công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (HTLGL) phát sinh từ khoản vay 500 tỷ đồng tại Sacombank Gia Lai, với thời hạn 12 tháng, mục đích vay để bổ sung vốn lưu động kinh doanh cho HTLGL.
Trên thị trường, HoSE vẫn giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu HAG do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 là âm 3.341,01 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.