'Bùng' nợ khi vay tiền qua app: Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Làn sóng vay rồi rủ nhau “bùng” nợ hoặc “chây ì” trả nợ đang rộ lên trên các mạng xã hội sau khi hoạt động đòi nợ thuê bị "cấm cửa" và cơ quan chức năng tăng cường triệt phá hoạt động cho vay nặng lãi.
Gần đây lực lượng công an đã phát hiện, khởi tố hàng loạt công ty có tổ chức hoạt động đòi nợ bằng các thủ đoạn cực đoan, hoặc đòi nợ thuê núp bóng các công ty luật. Hình thức đòi nợ này gây bức xúc trong dư luận, có những hệ lụy nghiêm trọng về trật tự an toàn xã hội.
Theo tìm hiểu, toàn bộ quy trình xét duyệt cho vay không cần 2 bên gặp mặt. Người vay chỉ cần đăng ký online, cung cấp CMND/CCCD, hộ khẩu, hợp đồng lao động, sao kê lương, hoặc hóa đơn trả tiền điện, nước..., sau đó nhận cuộc gọi tư vấn và nếu đáp ứng sẽ được giải ngân trực tiếp vào tài khoản.
Khác với vay trả góp mua hàng hóa, các công ty tài chính có thể cho vay tiền mặt từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Với lãi suất lên tới 40 - 45%/năm, lượng khách hàng tăng, các công ty tài chính trở thành doanh nghiệp siêu lợi nhuận. Thậm chí, có công ty tài chính lợi nhuận lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng/năm.
Tràn lan hội nhóm “bùng” nợ trên mạng xã hội
Đối tượng khách hàng của công ty tài chính chủ yếu đến từ nhóm lao động thu nhập trung bình – thấp, vốn nhạy cảm với các tác động từ xã hội và biến động kinh tế. Đây cũng là đối tượng chính bị ảnh hưởng thu nhập và khả năng trả nợ khó khăn, họ dễ dàng bị kích động, cổ xúy cho hành vi quỵt nợ, dẫn đến sự suy giảm ý thức và trách nhiệm trả nợ của bộ phận lớn khách hàng công ty tài chính.
Hiện tượng các hội nhóm "bùng" app vay tiền mọc lên tràn lan trên mạng xã hội là một thực trạng đáng buồn. Nguy hiểm hơn là đã và đang có rất nhiều người tham gia các hội nhóm này để tìm hiểu, dò hỏi kinh nghiệm "bùng" nợ nhằm chiếm đoạt tài sản của các tổ chức tín dụng. Chỉ cần lên mạng gõ cụm từ “cách bùng tiền qua app” sẽ cho một loạt những hội nhóm kín, mở với hàng chục nghìn thành viên hướng dẫn cách “bùng” tiền vay qua ứng dụng.
Có 2 hình thức vay phổ biến là vay qua ứng dụng và vay trên website. Nếu vay qua ứng dụng, người dùng sẽ phải mở quyền truy cập về các thông tin cá nhân như danh bạ, tin nhắn, đồng bộ Google và lịch sử cuộc gọi. Còn vay qua website, người dùng sẽ phải để lại đường dẫn tới trang cá nhân Facebook, Zalo và lịch sử cuộc gọi trong vòng 6 tháng.
Đến hạn không thanh toán, nhóm đòi nợ sẽ truy cập theo danh bạ, lấy số điện thoại gọi điện khủng bố người thân, bạn bè, ép người vay trả tiền. Nhiều trường hợp còn bị dọa tung ảnh cá nhân, tin nhắn hội thoại lên mạng xã hội để bêu xấu.
Do đó, trong các hội nhóm này thường bày cách cho các thành viên “bùng” nợ bằng cách tìm mua sim ảo, “nuôi” Facebook, Zalo ảo, dùng CMND giả và “cày” danh bạ ảo…
Điển hình, một thành viên tên L.O- thành viên "Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó" đã "khoe" cách bùng nợ vay qua app với số tiền lên đến 10 triệu đồng. Tài khoản này còn tỏ ra rất vui và xem đấy là một thành tích mọi người nên học hỏi.
Trái ngược với phẫn nộ là hành vi cổ xúy cho hành động quỵt nợ công ty tài chính như một thành tích đáng tự hào, tạo nên luồng suy nghĩ sai lệch rằng người đi vay có quyền không trả nợ còn đi đòi nợ là bất hợp pháp.
Những hành động này đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính tiêu dùng, buộc các công ty tài chính phải siết chặt việc cho vay. Khi đó, người lao động vay thực tế sẽ gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ tín dụng đen.
Mới đây tại cuộc họp của CLB Tài chính tiêu dùng trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đại diện các công ty tài chính đồng loạt lên tiếng trước thực trạng người đi vay bùng nợ bất chấp như hiện nay.
Lãnh đạo công ty tài chính Shinhan Finance cũng chia sẻ: “Nhiều khách hàng chủ đích đi vay để bùng nợ, nhiều hội nhóm chia sẻ cách bùng nợ ngân hàng và công ty tài chính. Nhân viên thu hồi nợ của chúng tôi gọi điện thu hồi thì lập tức khách hàng hỏi “Có muốn lên báo không”, gây hoang mang, tâm lý chán nản cho nhân viên thu hồi nợ.”
Dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo báo Công an nhân dân, Trung tá Phạm Văn Thịnh (cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Nội) cho biết, hiện nay hoạt động vay tiền online qua app, web đang có những diễn biến khá phức tạp. Việc vay tiền qua app có ưu điểm là rất thuận lợi, nhanh chóng, đáp ứng được nhu cầu vay tiền với số lượng nhỏ trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên đã xuất hiện nhiều app cho vay tiền với lãi suất cao và xuất hiện các hội nhóm trên mạng xã hội dạy nhau cách chiếm đoạt tiền vay. Cả hai hành vi cho vay nặng lãi và quỵt tiền vay đều đáng lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bởi trên thực tế, người cho vay tính lãi quá cao khiến người vay nợ không trả được nên tìm cách “bùng”. Còn người vay nợ vì thấy dễ dàng “bùng”, dễ dàng vay thì tìm cách vay nhiều để chiếm đoạt số tài sản đó. Từ đó mới dẫn đến việc những người khác bị vạ lây khi liên tục bị khủng bố, bôi nhọ, bắt phải trả nợ thay cho người vay.
Những cá nhân có những hành vi sử dụng giấy tờ giả, lợi dụng app vay tiền để vay tiền với mục đích sử dụng chi tiêu cá nhân, đến thời hạn trả nợ nhưng không trả, được thể hiện qua các hành vi như bùng nợ, tắt máy, bỏ trốn, tìm mọi cách để trốn tránh không trả nợ theo đúng quy định, điều kiện của app… nếu đủ căn cứ chứng minh hành vi gian dối ngay từ đầu nhằm mục đích để chiếm đoạt tiền từ các tổ chức, cá nhân thông qua sử dụng dịch vụ app cho vay thì có thể có dấu hiệu của tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cần lưu ý rằng, lãi suất cho vay phải không được quá 20%/năm. Đặc biệt, app không được yêu cầu khách hàng phải cho phép truy cập vào danh bạ, truy cập tài khoản mạng xã hội của mình… Nếu phát hiện app có dấu hiệu cho vay nặng lãi, cần sớm tất toán các khoản nợ; nếu bị các đối tượng đe dọa, cần trình báo ngay cho cơ quan Công an để được can thiệp, giúp đỡ.