Buồn của "huyền thoại" Sá Xị Chương Dương: Từ món nước thời thượng trên mọi mâm cỗ Tết phương Nam đến cảnh lỗ triền miên, tỷ phú Thái Lan cũng không cứu nổi
Ra đời từ năm 1952 và là một trong những thương hiệu "vang bóng một thời" của Việt Nam, Sá Xị Chương Dương giờ đây rơi vào cảnh bị hủy niêm yết bắt buộc sau khi lỗ 3 năm liên tiếp, vốn chủ sở hữu xuống mức âm.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây đã có văn bản về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với CTCP Nước Giải khát Chương Dương (Sá Xị Chương Dương – mã SCD), sau khi nhận được báo cáo tài chính kiểm toán 2023 của công ty này.
Theo đó, năm 2023 Sá Xị Chương Dương ghi nhận doanh thu 126 tỷ đồng, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ chi phí, công ty lỗ ròng 119 tỷ đồng, trong khi năm trước đó lỗ 49 tỷ đồng.
Đây là năm thứ ba liên tiếp công ty báo lỗ, cũng là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết. Tính đến cuối năm 2023, lỗ lũy kế của Sá Xị Chương Dương lên tới 200,95 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11,73 tỷ đồng.
Theo quy định, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết khi: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Trước đó, cổ phiếu SCD đã nằm trong diện bị kiểm soát từ tháng 8/2023.
"Nước ngọt con cọp" vang bóng một thời
CTCP Nước giải khát Chương Dương (CDbeco) tiền thân là Nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn BGI của Pháp, được xây dựng từ năm 1952.
Năm 1977, Tập đoàn BGI chuyển nhượng quyền sở hữu và bàn giao toàn bộ nhà máy cho Việt Nam, trở thành nhà máy quốc doanh với tên gọi là Nhà máy nước ngọt Chương Dương. Năm 1993 đổi tên thành Công ty Nước giải khát Chương Dương. Ở thời điểm đó, đây là nhà máy duy nhất sản xuất nước giải khát, thống lĩnh thị phần ngành hàng này.
Vào thập niên 80, câu quảng cáo: "Nước ngọt Con Cọp hoan hô – Với chai hoả tiễn, điểm tô cuộc đời" trở nên quen thuộc với người tiêu dùng tại miền Nam. Nước sá xị con cọp được coi là món đồ uống thời thượng, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng thuộc mọi lứa tuổi nhờ hương vị đặc trưng riêng. Trung bình mỗi tháng, một đại lý nhỏ cũng bán được cả trăm nghìn sản phẩm.
Trong một bản tin của VTV hồi năm 2018, ông Thái Quang Minh – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng CDBeco khi đó cho biết vào những dịp Tết trước đây, ở từng mâm cơm trong mọi gia đình đều có sự hiện diện của chai nước sá xị.
"Nói đến Sá Xị Chương Dương, mọi người đều có những lời nhận xét rất tốt đẹp. Khi tặng cho ai đó thùng sá xị, họ cũng cảm thấy rất vui và nghĩ ngay rằng sắp đến Tết", người đàn ông gắn bó 20 năm với CDBeco tự hào.
Tuy nhiên, đến thập niên 90, với sự xuất hiện của các "ông lớn" trong ngành nước giải khát như Coca-Cola hay Pepsi, Sá Xị Chương Dương bắt đầu lép vế. Giai đoạn 2010 – 2015, tốc độ tăng trưởng ngành nước giải khát Việt Nam đạt hơn 20% mỗi năm, nhưng doanh thu cũng như lợi nhuận của CDBeco gần như đi ngang, thị phần chỉ còn chưa tới 3%.
Hàng chục năm trôi qua, mẫu mã những lon nước của Sá Xị Chương Dương vẫn không thay đổi, máy móc đã cũ, trong khi các doanh nghiệp ngoại liên tục làm mới thương hiệu, thay đổi mẫu mã, đều đặn ra mắt những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng.
"Chúng tôi cũng nhận ra rằng mình không thể nào sống mãi bằng thương hiệu nổi tiếng trước đây, mà phải có sự điều chỉnh nhận thức về thương hiệu. Khối marketing và ban giám đốc cũng đã có những định hướng về việc làm mới hình ảnh", ông Minh chia sẻ.
Nỗ lực tìm lại hào quang bất thành
Hồi năm 2004, Sá Xị Chương Dương chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và niêm yết tại HoSE sau đó 2 năm. Ban đầu, tỷ lệ góp vốn từ Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là 51%, tới năm 2012 tăng lên 61,9%. Ở thời điểm 2020, Sabeco vẫn là cổ đông lớn nhất của CDBeco với tỷ lệ sở hữu 62,06%.
Trước đó vào tháng 12/2017, Thai Beverage (ThaiBev), "gã khổng lồ" ngành đồ uống của ông chủ Charoen Sirivadhanabhakdi – một trong những tỷ phú giàu nhất Thái Lan, đã chi gần 5 tỷ USD để sở hữu 53,59% cổ phần Sabeco.
2017 là năm đầu tiên Sá Xị Chương Dương báo lỗ, sau nhiều năm kết quả kinh doanh sa sút. Cả năm 2017, công ty chỉ ghi nhận 339 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm tới 21% so với năm trước đó, lỗ ròng 2,2 tỷ đồng trong khi năm trước đó vẫn lãi gần 31 tỷ. Nguyên nhân đến từ việc doanh thu giảm mạnh, còn chi phí phải bỏ ra để duy trì kênh bán hàng, hệ thống đại lý, quản lý doanh nghiệp vẫn giữ nguyên.
Để cứu vãn tình hình, trong Đại hội cổ đông năm 2019, Sá Xị Chương Dương vạch ra kế hoạch "tìm lại hào quang" với sự hỗ trợ từ ThaiBev và Sabeco. Công ty quyết định tái cơ cấu, phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa dựa trên giá trị di sản, bởi nhiều người dân Sài Gòn đã lớn lên cùng nó.
Sá Xị Chương Dương khi đó cho biết họ sẽ sử dụng khoản tiền gửi 90 tỷ đồng tại ngân hàng để di dời nhà máy, nâng cấp trang thiết bị, đồng thời tăng cường độ nhận diện bằng cách bày bán sản phẩm ở nhiều nơi, phát triển kênh bán hàng trực tuyến B2B, phát triển đội ngũ bán hàng, thực hiện logistics hiệu quả.
Kết quả là hết quý 1/2019, doanh thu thuần của Sá Xị Chương Dương đạt gần 75 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 6,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 400 triệu đồng; lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 4,7 tỷ đồng.
Kết quả này đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp Sá Xị Chương Dương có lãi. Hồi tháng 12/2019, công ty cũng khởi công xây dựng nhà máy mới tại KCN Nhơn Trạch 3, tỉnh Đồng Nai.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang.
Do tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, Sá Xị Chương Dương vừa chớm "hồi sinh" lại rơi vào cảnh khốn đốn. Cả năm 2020, công ty chỉ thu về 176 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lãi ròng vỏn vẹn 2,5 tỷ, chỉ bằng 21% so với cùng kỳ. Lượng nước giải khát được tiêu thụ đạt 13,1 triệu lít, thấp hơn kế hoạch tới 65,5%.
Mặc dù vậy, 2020 lại trở thành năm gần đây nhất Sá Xị Chương Dương có lãi. Kể từ năm 2021, công ty thua lỗ triền miên. 2023 là năm thứ ba liên tiếp công ty báo lỗ, cũng là khoản lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết.