Buồn của Jack Ma: Thương hiệu hải sản ra mắt rầm rộ, nhưng ngày đầu chưa chốt nổi 100 đơn hàng trên “sân nhà” Tmall

Muốn trở thành 'vua nông sản' thời công nghệ nhưng lần này Jack Ma lại yếu thế ngay trên sân nhà Tmall do mình sáng lập.

Jack Ma và sự nghiệp “nuôi cá, trồng rau”

Năm 2019, khi chính thức từ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Alibaba, Jack Ma đã tuyên bố rằng trong tương lai ông sẽ tập trung vào giáo dục và nông nghiệp. Những năm tháng Jack Ma gần như “ở ẩn” trước truyền thông thực chất là khoảng thời gian nhà tỉ phú này đi khắp thế giới để học cách “nuôi cá, trồng rau”.

Từ năm 2021, Jack Ma đã thực hiện một chuyến thị sát nông nghiệp toàn cầu. Ông đã đến Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan, Nepal và các nơi khác để trao đổi chuyên sâu với nhiều công ty nông nghiệp, nhằm học hỏi thêm về các lĩnh vực như trồng chè, trồng nho, nuôi cá, làm rượu vang, vân vân.

Đến tháng 1 năm 2023, Jack Ma gặp gỡ Dhanin Chearavanont, người giàu nhất Thái Lan kiêm chủ tịch cấp cao của CP Group, một công ty có bề dày kinh nghiệm trong ngành chăn nuôi và thực phẩm.

Cũng trong năm nay, Jack Ma đã chính thức đầu tư vào dự án Majia Kitchen, chuyên bán thực phẩm đóng gói sẵn, sơ chế và bán buôn, bán lẻ thực phẩm nông sản.

Hải sản biển sâu "Một Mét Tám"

Vào ngày 18 tháng 12 vừa qua, thương hiệu nông sản tiếp theo mà Jack Ma mạnh tay đầu tư là Yimiba đã chính thức ra mắt. “Yimiba” trong tiếng Trung có nghĩa là “một mét tám”. Ý nghĩa của cái tên này xuất phát từ ước muốn “ai cũng mong con cao một mét tám” của các bà mẹ Trung Quốc. 

Đây cũng là dự án mà Jack Ma mong áp dụng được các công nghệ tiên tiến nhất học hỏi được sau nhiều năm chu du thế giới vào nuôi trồng trong nông nghiệp. Hai sản phẩm hải sản biển sâu chủ lực trong lần ra mắt lần này của Yimiba là vẹm và cá đù vàng tươi.

photo-1702985830915

Đã có nhiều nghiên cứu cho rằng vẹm có giá trị dinh dưỡng cao hơn cả tôm và thịt. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, giá trị dinh dưỡng của vẹm vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Để đảm bảo độ tươi ngon trong suốt quá trình vận chuyển từ nơi chăn nuôi tới bàn ăn, Yimiba đã áp dụng công nghệ cấp oxy để giữ độ tươi. Nhờ đó, vẹm có thể sống suốt 12 ngày sau khi rời môi trường nước và tươi rói cho tới tận lúc được đưa lên bàn ăn.

Cá đù vàng được mệnh danh là “quốc ngư” ở xứ Trung. Yimiba cũng chọn nó làm sản phẩm chính, chăn nuôi bằng những công nghệ học hỏi từ các trang trại cá hồi ở Na Uy, mục tiêu là khiến cá nuôi thơm ngon không khác gì cá ngoài tự nhiên.

photo-1702985853098

Danh tiếng “Jack Ma” chưa giúp nổi doanh số

Ngay cả trước khi thương hiệu Yimiba ra mắt, công ty chủ quản đã thu hút được nhiều sự chú ý của các bên vì Jack Ma xuất hiện trong danh sách cổ đông. Cụ thể, Yimiba Marine Technology hiện có sáu cổ đông. Cổ đông lớn thứ hai là công ty Daijingtou 22 của Jack Ma với 10% cổ phần.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn từ cái tên “Jack Ma” có vẻ chưa đủ mạnh để giúp Yimiba đạt được thành công đáng kể. Trong ngày đầu tiên ra mắt, cửa hàng Yimiba trên Tmall có chưa đầy 100 người theo dõi và cũng chưa chốt nổi 100 đơn. Chỉ có 43 đơn đặt mua cá đù vàng với giá 99 tệ/con và 47 đơn mua vẹm với giá từ 45 tệ trở lên, cộng thêm 2 đơn đặt gói quà tặng cá đù vàng phiên bản giới hạn.

Tham khảo từ: Net Ease

Thùy An

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT