Buồn của nước Anh: Từng là quê hương cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, giờ đây kém hơn Trung Quốc 4 lần về tỷ lệ dùng robot
Tỷ lệ ứng dụng robot trong sản xuất của Anh hiện thấp hơn gấp 10 lần so với Hàn Quốc, kém 4 lần so với Trung Quốc, Nhật Bản.
Tờ The Economist cho hay phần lớn người dân các nước thường không hối hận về những gì họ bỏ phiếu sau các cuộc thăm dò. Những minh chứng từ các cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến người dân ở Canada, Scotland cho tới Na Uy, Thụy ĐIển đều cho thấy cử tri sẽ kiên trì với quyết định của mình nếu không muốn nói là thuyết phục thêm được người khác nghe theo.
Tuy nhiên việc Anh rời bỏ Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit có lẽ là một ngoại lệ.
Vào tháng 6/2026, cử tri Anh đã đồng ý Brexit với tỷ lệ 52% ủng hộ trên 48% phản đối. Thế nhưng chỉ 2 năm sau, ngày càng nhiều người dân xứ sở sương mù hối hận về quyết định này.
Từ kẻ dẫn đầu thành ‘đồ cổ’
Năm 1760, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bùng nổ ở Anh với sự ra đời của cơ giới hóa sản xuất. Đặc biệt việc động cơ hơi nước ra đời năm 1784 đã biến nước Anh trở thành quê hương của một trong những sự kiện vĩ đại nhất nền kinh tế thế giới thế kỷ 18.
Từng dẫn đầu thế giới về công nghiệp và kỹ thuật là vậy, nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng năng suất của Anh lại đang yếu nhất 15 năm qua.
Tờ Economist cho hay kể từ khi Brexit bùng nổ, nền kinh tế Anh không chỉ gặp khủng hoảng về nhân lực mà ngay cả vấn đề công nghệ cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Nền kinh tế này đứng cuối bảng trong nhóm G7 về tỷ lệ ứng dụng robot trong nền kinh tế.
Số liệu của Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) cho thấy tỷ lệ triển khai robot tại Anh chỉ vào khoảng 98 con cho mỗi 10.000 lao động trong ngành sản xuất. Con số này thấp hơn 10 lần so với Hàn Quốc, kém 4 lần so với Đức, Nhật Bản và Trung Quốc.
Bạn không nghe nhầm đâu, tỷ lệ ứng dụng robot trong ngành sản xuất của Anh hiện nay thậm chí còn chẳng bằng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới mới vươn lên trong những thập niên gần đây.
Một nghiên cứu của Trường kinh doanh Copenhagen (CBS) cho thấy nếu Anh đạt mức độ tự động hóa như Nhật Bản thì năng suất toàn nền kinh tế sẽ tăng hơn 1/5.
Tất nhiên một số người sẽ lập luận rằng Anh đang hướng đến nền kinh tế dịch vụ nên sự phụ thuộc vào công nghệ và robot trong mảng sản xuất sẽ thấp hơn. Ngành sản xuất hiện chỉ chiếm 8% nền kinh tế Anh, thấp hơn nhiều so với 27% năm 1970. Trái lại tại Hàn Quốc và Nhật Bản, ngành sản xuất chiếm tương ứng 26% và 19% GDP.
Tuy nhiên nếu so sánh cả với các nền kinh tế định hướng dịch vụ tương đương khác, nước Anh vẫn tụt hậu khá xa trong mảng công nghệ và áp dụng robot cho sản xuất. Tại Mỹ, tỷ lệ áp dụng robot cho sản xuất lên đến 285 con trên mỗi 10.000 lao động, còn tại Pháp là 180.
Đồng quan điểm, hãng tư vấn London Economics ước tính rằng đến năm 2035, robot sẽ chỉ thực hiện được 1% nhiệm vụ trong mảng xây dựng và nông nghiệp tại Anh dù có tới tương ứng 38% và 30% chức năng trong 2 ngành này phù hợp dùng máy móc.
Vậy vì sao từ một cường quốc dẫn đầu công nghệ và công nghiệp, Anh lại tụt hậu nhanh như vậy trong những năm gần đây?
Cái giá của sự bảo thủ
Nhiều chuyên gia nhận định Brexit chỉ là giọt nước làm tràn ly chứ không phải nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Tờ Economist cho rằng sự bất ổn địa chính trị, đặc biệt là từ sau Brexit đã khiến chính sách của Anh biến động liên tục, gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư cũng như các chế độ trợ cấp của chính phủ cho công nghệ.
Trong 40 năm qua, chế độ hỗ trợ vốn của Anh đã trải qua 24 lần thay đổi dù bất cứ Đảng chính trị nào lên cũng cam kết sẽ giữ vững chính sách, nhưng cuối cùng chúng cũng bị người lãnh đạo kế nhiệm thay đổi.
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc của nền kinh tế Anh vào dòng lao động nhập cư nước ngoài giá rẻ cũng làm giảm động lực đầu tư vào robot. Tại sao ngành xây dựng, nông nghiệp hay sản xuất lại phải cố gắng phát triển công nghệ, tự động hóa khi có nguồn lao động giá rẻ dồi dào từ nước ngoài?
Thế rồi khi Brexit bùng nổ và dân số lão hóa nhanh chóng, người Anh bất chợt nhận ra họ cần lao động giá rẻ như thế nào khi đã thụt lùi quá sâu trong mảng robot và tự động hóa sản xuất.
Số liệu của ECITB cho thấy 1/5 số kỹ sư Anh sẽ nghỉ hưu vào năm 2026, tạo nên khoảng trống nhân lực lẫn công nghệ cực kỳ lớn cho nền kinh tế.
Dù xứ sở sương mù đã bắt đầu tăng cường đầu tư cho công nghệ và tự động hóa nhưng trở ngại vẫn còn rất lớn.
Đầu tiên, Anh thiếu công nhân có trình độ để lắp đặt, vận hành những thiết bị máy móc hiện đại. Trong khi một nửa số sinh viên tốt nghiệp ở Đức từng tham gia đào tạo nghề và thậm chí là khoảng 1/3 chọn học nghề để lao động thì tỷ lệ này chỉ là 7% ở Anh.
Tiếp đó, nền kinh tế Anh có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ lâu đời bị quản lý kém, bảo thủ và không hứng thú với máy móc công nghệ hiện đại. Những chi phí cố định cao của các thiết bị khiến nhiều chủ doanh nghiệp Anh coi đây là thứ xa xỉ tốn tiền.
Xét trên quy mô doanh nghiệp có dưới 10 lao động, những công ty dạng này ở Anh tuyển dụng đến 1/3 tổng lao động toàn quốc, trong khi tỷ lệ này chỉ là 1/5 ở Đức và 1/10 ở Mỹ.
Trên thực tế chính quyền London đã từng cố gắng đầu tư hỗ trợ phát triển công nghệ, nhưng sự bảo thủ của các doanh nghiệp là quá lớn.
Một cuộc thăm dò năm 2023 của hãng tài chính Charles & Dean cho thấy chưa đến 50% doanh nghiệp Anh tham gia chương trình miễn giảm thuế khi đầu tư vào máy móc mới (Super Deduction), khiến dự án này bị hủy bỏ vì thiếu hiệu quả.
Thậm chí ngay cả khi đã được giảm thuế thì 1/5 doanh nghiệp vẫn than phiền rằng họ không đủ nguồn lực để đầu tư phát triển công nghệ, robot và tự động hóa.
Ví dụ một trang trại bò sữa ở Anh trung bình kiếm được khoảng 50.000 Bảng lợi nhuận nhưng với một đàn bò 200 con thì một robot vắt sữa tự động có giá lên đến 400.000 Bảng. Vậy là dù có lợi ích về lâu dài, nhưng người dân Anh thì vẫn chẳng muốn tốn tiền cho những thứ xa xỉ như robot hay tự động hóa.
*Nguồn: The Economist