Các doanh nghiệp ngành đồ uống có đường trước nỗi lo có thể bị áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt

Mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp thuế tiêu thụ đăc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát (NGK). Đề xuất này đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này và sau đó là hàng loạt các ngành hàng, công nghiệp phụ trợ, các chuyên gia kinh tế, y tế, xã hội.

photo-1721458060714

 Mới đây, dự thảo luật thuế TTĐB (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc Hội (QH) với lộ trình QH sẽ được thảo luận vào Kỳ họp thứ 8/2024 và thông qua vào Kỳ họp thứ 9/2025. Đáng chú ý, đề xuất áp thuế TTĐB đối với NGK có đường lại một lần nữa được đưa bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Việc này đã và đang thu hút sự quan tâm trước hết là đối tượng chịu tác động trực tiếp là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này và sau đó là hàng loạt các ngành hàng, công nghiệp phụ trợ, các chuyên gia kinh tế, y tế, xã hội v.v.

Nhìn toàn cảnh, theo đánh giá sơ bộ, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường và nước giải khát sẽ tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này, ngăn trở đà phục hồi và tăng trưởng của ngành, và nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, xã hội trong bối cảnh kinh tế nước ta đang khó khăn, chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch COVID.

Ngành NGK đã tạo ra hơn 300.000 lao động trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp và tham gia tích cực vào các chương trình trách nhiệm xã hội như cung cấp nước uống sạch, nâng cao năng lực phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thuế tiêu thụ đặc biệt nếu được áp dụng sẽ tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh và kinh tế xã hội. Xét đến tình hình hiện nay nền kinh tế của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp đang phải gắng sức để vượt qua các khó khăn, lấy lại đà phát triển. Lạm phát tuy hạ nhiệt, nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng... ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngành nước giải khát có sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị dẫn tới ảnh hưởng với quy mô gấp 6-9 lần, ảnh hưởng đến 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm, gây tác động đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Việc đánh thuế nước giải khát có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

Tăng thuế nước giải khát có đường: không giúp kiểm soát thừa cân béo phì

Trong Bộ tài liệu hồ sơ dự thảo Luật thuế TTĐB đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính dề xuất "Bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dường như đề xuất này đã cho thấy NGK có đường là nguyên chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì nên cần phải áp thuế TTĐB để đẩy giá thành lên cao từ đó hạn chế tiêu dùng.

Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều băn khoăn về cơ sở khoa học xác định và khẳng định NGK có đường là thủ pham chính gây nên tình trạng TCBP tại Việt Nam để từ đó giúp các nhà hoạch định chính sách có những đề xuất hợp lý.

TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết "Việc đánh thuế TTĐB với các nước giải khát có đường tại một số nước cho thấy rằng thực tế chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Người tiêu dùng giảm tiêu thụ lượng nước giải khát có đường nhưng lại tìm kiếm các nước giải khát cũng có đường khác như trà hoặc các nước trái cây có đường từ đường phố."

Một vấn đề khác cần lưu ý là nhu cầu và thói quen sử dụng đồ uống có đường của người tiêu dùng trong bối cảnh trên thị trường hiện nay có đa dạng các đồ uống có đường khác được sản xuất công nghiệp hay thủ công, được kết hợp "combo" với các món ăn, thay đổi liên tục theo xu hướng phù hợp và thu hút giới trẻ thì liệu,việc chỉ đánh thuế NGK có đường được sản xuất công nghiệp có thực sự hiệu quả. theo một khảo sát về thói quen chọn lựa nước uống của người tiêu dùng thực hiện năm 2018 của Decision Lab thì nếu áp thuế lên nước giải khát thì sẽ có 49% người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế là nước uống chế biến tại chỗ có đường.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích đề xuất của Bộ Tài chính chỉ bổ sung nước giải khát theo TCVN (Tiêu chuẩn Việt Nam), có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB, "Khi chúng ta áp dụng và căn cứ vào TCVN như vậy thì đôi khi chúng ta lại vừa thừa và vừa thiếu, chúng ta không đảm bảo được sự công bằng".

Cùng quan điểm này, Ông Đỗ Thái Vương, Trưởng Tiểu ban Nước giải khát thuộc VBA chia sẻ "Thứ nhất việc áp thuế TTĐB vào cho các sản phẩm NGK theo tiêu chuẩn TCVN không đảm bảo được hiệu quả đối với chính sách. Khi mà các sản phẩm khác đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm và đồ uống khác chứa lượng đường nhiều hơn thì lại chưa được tính toán để đưa vào chịu thuế TTĐB dẫn đến việc phân biệt đối xử và không công bằng trong việc xây dựng các quy định về pháp luật của nhà nước. Đồng thời khó đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân cũng như giúp tăng thu ngân sách".

Giang Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT