Các nhà băng phải đối mặt khó khăn gì khi triển khai ngân hàng mở?

Để sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng mở diễn ra mạnh mẽ thì cần có bộ quy tắc chung. Ngoài ra, cách ứng xử về quyền lợi của khách hàng khi giao dịch lỗi hay tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ cung cấp, tiêu chuẩn về vận hành chung cũng cần nghiên cứu.

Thông tin này được ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đặt ra khi chia sẻ tại "Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Thanh toán và Napas tổ chức.

Theo ông Long, xu hướng ngân hàng mở đã phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu cũng như Châu Á tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,... Kể cả những nước láng giềng của Việt Nam là Philippine cũng triển khai rất mạnh.

Ngân hàng mở được hiểu là ngân hàng chia sẻ thông tin, dịch vụ cho các công ty Fintech. Thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ cho các chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành fintech, tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistic, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho toàn thể người dân.

Vị này cũng nhấn mạnh: "Sự kết nối này đem lại lợi ích rất lớn cho toàn thể xã hội, cho các chủ thể tham gia Open Banking và tiến tới Open Data. Với góc nhìn tổng thể như vậy, sự phát triển của Open Banking sẽ đưa vào định hướng phát triển của nền kinh tế số của Chính phủ".

Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn khi triển khai ngân hàng mở, ông Long cho rằng, thuận lợi lớn nhất là các ngân hàng, công ty Fintech và các bên thứ 3 đều hứng khởi và chủ động trong triển khai dịch vụ Open Banking.

"Có thể thấy các ngân hàng không phải mới triển khai Open API mà đã triển khai từ rất lâu, đem lại dịch vụ tiện ích và hiệu quả tốt cho người dân cũng như khách hàng. Sự quan tâm của toàn ngành như vậy sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ ngân hàng mở trong tương lai", ông Long nói.

Các nhà băng phải đối mặt khó khăn gì khi triển khai ngân hàng mở? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia VN (NAPAS).

Về khó khăn, theo ông Long, điều đầu tiên mà các ngân hàng sẽ phải đối mặt là cơ sở pháp lý, đặc biệt trong việc chia sẻ và bảo mật thông tin, tiêu chuẩn chung trong triển khai giữa các ngân hàng và các trung gian thanh toán.

Trên cơ sở phân tích vấn đề này, ông Long nhấn mạnh, để triển khai mạnh trên thị trường thì cần có bộ quy tắc chung. "Theo tôi không những cần có tiêu chuẩn chung, mà còn tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ cung cấp, tiêu chuẩn về vận hành. Ví dụ như khi giao dịch lỗi xảy ra thì sẽ ứng xử như thế nào, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng ra sao? Ngoài ra, các quy chuẩn từ cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, hướng tới sẽ có 1 đơn vị vận hành chung hay các tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết, tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn vận hành ứng xử của các bên khi có vấn đề xảy ra cũng là hướng để cân nhắc nghiên cứu", ông Long nói thêm.

Ông Long cũng kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, xu hướng ngân hàng mở sẽ được chuẩn hóa về mặt kỹ thuật, cơ sở pháp lý trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông tư, hướng dẫn để các ngân hàng, bên thứ 3 có thể cung cấp nhiều ngân hàng mở cho khách hàng.


Hải Nam

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT