Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Các trạm thu phí BOT của Cầu đường CII (LGC) đem về bao nhiêu tỷ đồng doanh thu trong năm 2023?

Vũ Ngọc Quỳnh

Trong cơ cấu tổng doanh thu năm 2023 của LGC, đóng góp lớn nhất đến từ hoạt động thu phí giao thông với 1.687 tỷ đồng (chiếm hơn 99% doanh thu), tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.

cac-tram-thu-phi-bot-cua-cau-duong-cii-lgc-dem-ve-bao-nhieu-ty-dong-doanh-thu-trong-nam-2023-antt-1710594417.jpg
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân.

CTCP Đầu tư Cầu đường CII (MCK: LGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã kiểm toán với doanh thu đạt 1.702,6 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm trước.

Trong cơ cấu doanh thu, đóng góp lớn nhất đến từ hoạt động thu phí giao thông với 1.687 tỷ đồng (chiếm hơn 99% doanh thu), tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; ngoài ra, doanh thu cung cấp dịch vụ thu về 9,5 tỷ đồng; doanh thu hoạt động duy tu, xây lắp công trình thu về hơn 6 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Cầu đường CII đã đạt được quyền kiểm soát tại CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và chuyển đơn vị này từ công ty liên doanh thành công ty con. Nhờ thương vụ này, doanh thu tài chính của Cầu đường CII tăng vọt gấp 4,5 lần, đạt mức 418 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chi phí cũng đều tăng cao; chi phí tài chính tăng 15,5%, lên mức 345,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 6,7%, lên 114,9 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 126,8%, lên mức 131,1 tỷ đồng.

Kết quả, năm 2023, Cầu đường CII báo lãi sau thuế 927,2 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm ngoái.

CTCP Đầu tư Cầu đường CII là đơn vị thực hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông khu vực phía Nam như Xa lộ Hà Nội, cầu Rạch Miễu (Bến Tre), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận...theo hình thức BOT.

Tại thời điểm kết thúc năm 2023, quy mô tài sản của LGC đạt mức 22.913,7 tỷ đồng, tăng 79,7% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là tài sản dài hạn với 21.185,7 tỷ đồng. Các khoản phải thu giảm 22,8%, về còn 2.205,4 tỷ đồng. Tiền gửi ngân hàng đạt 704 tỷ đồng, tăng 7,2 lần so với đầu năm. Bên cạnh tiền gửi ngân hàng, tài sản cố định của doanh nghiệp cũng tăng 2,4 lần, lên mức 16.386,6 tỷ đồng và chiếm 71,5% tổng tài sản doanh nghiệp. Tài sản tăng mạnh nhất là quyền thu phí giao thông, tăng hơn 9.904 tỷ đồng do hợp nhất công ty con. Trong đó, sau khi đạt được quyền kiểm soát CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, giá trị quyền thu phí giao thông dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 được ghi nhận tăng thêm gần 692 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có vốn điều lệ gần 1.543 tỷ đồng, là đơn vị thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hợp đồng BOT. Được biết, dự án này có mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ đồng. Cầu đường CII cho biết, trạm thu phí này bắt đầu khai thác từ ngày 9/8/2022. Tổng thời gian thu phí dự kiến theo hợp đồng BOT là 14 năm 8 tháng 12 ngày.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng nợ phải trả của Cầu đường CII ở mức 17.729,8 tỷ đồng, tăng hơn 9.823 tỷ đồng so với số đầu năm, tương ứng tăng thêm 124,2%. Trong đó, vay nợ tài chính ở mức 13.137 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Chủ nợ lớn nhất của Cầu đường CII Là Ngân hàng Vietcombank với dư nợ 9.157,4 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là khoản vay mới phát sinh trong năm với lãi suất thả nổi, lãi suất trong năm là 8,55% - 9,5%/năm, thời gian vay từ 7 đến 14 năm. Mục đích vay để tài trợ cho dự án BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Đầu tư dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Vốn chủ sở hữu của Cầu đường CII tại thời điểm kết thúc năm 2023 đạt 5.184 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, có 1.464,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Cơ cấu cổ đông của LGC khá cô đặc, trong đó CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (MCK: CII) là công ty mẹ với việc sở hữu gần 105,8 triệu cổ phiếu tương ứng 54,84% vốn. Bên cạnh đó, Metro Pacific Tollways Corporation nắm 44,94% vốn (gần 86,7 triệu cổ phiếu).

Trên thị trường, vì lượng cổ phiếu tự do ngoài thị trường không lớn, thanh khoản cổ phiếu LGC tương đối èo uột. Kết phiên ngày 15/3, thị giá LGC dừng ở mức 59.800 đồng/cổ phiếu.

Hà Anh