Cách Beru Group ‘biến’ 6,7ha đất rừng sản xuất, phòng hộ thành dự án nghỉ dưỡng Parahills Hòa Bình

Bằng việc mua gom 6,7 ha đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ, Beru Group sau đó xin thuê lại đất và chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thương mại dịch vụ để thực hiện dự án Parahills Hòa Bình (Lakeside Village).

Ngày 22/5/2020, UBND tỉnh Hòa Bình ký Quyết định số 28/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Beru Group đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Parahills Hòa Bình.

Mục tiêu dự án là hoạt động kinh doanh lưu trú, du lịch và phục vụ ăn uống. Công suất thiết kế khu dịch vụ, nhà hàng có thể phục vụ 2.000 khách/ngày, khách lưu trú nghỉ dưỡng đạt 450 khách/ngày. Quy mô xây dựng bao gồm: Công trình thương mại dịch vụ (khoảng 8.887 m2 đất); Công trình lưu trú (khoảng 27.721m2 đất); Công trình hạ tầng kỹ thuật (khoảng 1.200m2 đất); Công trình giao thông (khoảng 11.826,4 m2 đất). Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 149 tỷ đồng, trong đó gần 30 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư) là vốn tự có của nhà đầu tư; còn lại là vốn huy động khác để thực hiện dự án. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được UBND tỉnh Hòa Bình quyết định chủ trương đầu tư.

Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, Công ty cổ phần Beru Group phải tiến hành làm việc với các Sở, ban ngành địa phương để hoàn thiện các thủ tục có liên quan. Phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động; khẩn trương thực hiện các thủ tục để dự án hoàn thành đúng tiến độ; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Cụ thể, tiến độ thực hiện dự án đầu tư như sau: Từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2020 - thực hiện thủ tục đất đai; tháng 01/2021 đến tháng 12//2021 - thực hiện thủ tục xây dựng; tháng 01/2022 đến tháng 06/2024 - thi công xây dựng; tháng 07/2024 đến tháng 12/2024 - mua sắm, lắp đặt thiết bị; tháng 01/2025 -chính thức đưa dự án vào hoạt động kinh doanh.

Tháng 7/2021, UBND tỉnh Hòa Bình có tờ trình số 140/TTr-UBND gửi HĐND tỉnh về phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rứng sang mục đích thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng Parahills Hòa Bình. Sau đó, HĐND tỉnh Hòa Bình đã có Nghị quyết số 28/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương trên.

Theo Nghị quyết này, tổng diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 5,24ha tại xã Bình Thanh, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, Hòa Bình. Vị trí tại tiểu khu 108 và 110; khoảnh 3, 11 và 20; tổng có 13 lô. Chức năng rừng là rừng sản xuất.

Cách Beru Group ‘biến’ 6,7ha đất rừng sản xuất, phòng hộ thành dự án nghỉ dưỡng Parahills Hòa Bình- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án.

Ngày 5/1/2022, Công ty cổ phần Beru Group có đơn xin thuê đất, xin chuyển mục đích sử dụng 67.508,4m2 đất tại xã Bình Thanh và xã Thung Nai để thực hiện dự án Parahills Hòa Bình.

Theo đó, Beru Group đã mua lại 46.218m2 đất rừng sản xuất, 977,8m2 đất rừng phòng hộ tại xã Bình Thanh và 20.311,1m2 đất rừng sản xuất tại xã Thung Nai do hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng.

Đến ngày 2/6/2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định số 1065/QĐ-UBND cho phép Beru Group chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thuê đất theo hình thức trả tiền một lần cho cả thời gian thuê (thời hạn 50 năm, đến năm 2070) khu đất 67.508,4m2.

Đến ngày 16/06/2022, Sở Xây dựng Hòa Bình đã cấp giấy phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án: Khu du lịch nghỉ dưỡng Parahills Hòa Bình cho Beru Group.

Tiềm lực Beru Group

Về Beru Group, công ty này được thành lập vào tháng 5/2019, với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập: Nguyễn Thành Nam nắm 64,8%, Đinh Văn Thảo nắm 16% và Hoàng Văn Sơn nắm 19,2%.

Tháng 11/2023, Beru Group tăng vốn điều lệ lên 105 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.

Trong những năm qua, các vị trí quan trọng như Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của công ty có nhiều lần thay đổi. Đáng chú ý, có cái tên Ngô Đức Tâm (SN 1989) xuất hiện với vai trò Tổng giám đốc từ tháng 11/2022 đến tháng 8/2023. Ông Tâm từng được biết đến là Trưởng ban kiểm soát của Vinahud. Tại Đại HĐCĐ 2023, Vinahud cũngcông khai kế hoạch đầu tư vào Beru Group.

Trước ông Ngô Đức Tâm, chức Tổng Giám đốc của Beru Group do ông Nguyễn Anh Tuấn (SN 1983) đảm nhiệm.

Cái tên Nguyễn Anh Tuấn không mấy xa lạ với Vinahud của Chủ tịch Trương Quang Minh.

Vị doanh nhân SN 1983 là đại diện pháp luật của CTCP nội thất TPA Decor – một đối tác quen thuộc của Vinahud. Không những vậy, ông Tuấn còn là Tổng giám đốc CTCP đầu tư và sản xuất Emir Door – một công ty con của CTCP Tập đoàn đầu tư Emir.

Còn Tổng giám đốc hiện tại của Beru Group là ông Hoàng Văn Minh (SN 1982). Ông Minh từng được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT CTCP xây dựng 1.1.6.8 vào năm 2017.

Ngoài Beru Group, hiện nay ông Minh còn làm đại diện pháp luật của CTCP đầu tư bất động sản Viên Nam và Công ty TNHH Bến Bình Thanh. Đây là các doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái R&H Group của doanh nhân Trương Quang Minh.

Một dữ liệu của PV cho thấy, tháng 3/2023, các cổ đồng của Beru Group đã mang cổ phần thế chấp cho ngân hàng. Ngoài ra, Beru Group cũng mang hoa lợi, lợi tức, khoản phải thu, khoản phí thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc từ việc đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý phát sinh từ và/hoặc có liên quan đến dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Parahills Hòa Bình để thế chấp tại nganah hàng này.

Không những vậy, Beru Group hay TPA Décor đang là những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nhiều tháng của người lao động bị BHXH Hà Nội bêu tên.

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT