Cái khó của Airbus: Sản xuất bị kìm hãm, đơn đặt hàng chưa bằng 1/3 năm 2023, cổ phiếu giảm 20% từ đỉnh

Đây là sự thay đổi đáng thất vọng về vận mệnh một nhà sản xuất máy bay phản lực lớn nhất thế giới, vốn tự tin rằng mình có thể tận dụng đà tăng về nhu cầu trên toàn cầu.

Khi Christian Scherer đảm nhận vị trí điều hành bộ phận máy bay thương mại tại Airbus vào đầu năm nay, công việc có vẻ khá dễ dàng. Nhà sản xuất này phá vỡ kỷ lục đơn đặt hàng hàng năm, trong bối cảnh các hãng hàng không đang mong muốn mua thêm nhiều máy bay phản lực. Đối thủ đáng kể duy nhất của công ty, Boeing, hiện vẫn mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng về an toàn sau loạt vụ tai nạn không đáng tiếc.

Tuy nhiên kể từ đó, mục tiêu sản xuất được mong đợi từ lâu lại bị trì hoãn. Các đơn đặt hàng trong nửa đầu năm chưa nổi 1/3 lượng hàng nhập vào cùng kỳ năm 2023, trong khi cổ phiếu công ty hiện giảm hơn 20% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3. Đây là sự thay đổi đáng thất vọng về vận mệnh một nhà sản xuất máy bay phản lực lớn nhất thế giới, vốn tự tin rằng mình có thể tận dụng đà tăng về nhu cầu trên toàn cầu.

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ ở một nơi tốt hơn”, ông Scherer cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Có cả tương lai phía trước để chuẩn bị”.

Airbus cho biết vào cuối tháng trước rằng chính mình cũng bị bất ngờ trước những sự chậm trễ phát sinh, từ động cơ, bánh đáp, ghế ngồi và nhà vệ sinh - Tất cả đều đang kìm hãm sản xuất.

Trước đó, một chiếc máy bay 14 năm tuổi do liên doanh Airbus và Leonardo của Ý sản xuất đã rơi tại Brazil. Toàn bộ 62 hành khách đã thiệt mạng. Phía quan chức đang điều tra nguyên nhân. Thách thức với Airbus vì thế ngày càng thêm nhiều, nhất là sau sự xuất hiện của Kelly Ortberg, CEO mới của Boeing. Ông được ca ngợi rất am hiểu chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ, đồng thời dành phần lớn sự nghiệp điều hành công ty tiền nhiệm của RTX - một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Boeing và Airbus.

Phần lớn ngành hàng không đang phàn nàn, sau hàng tháng chờ đợi để có máy bay Airbus và Boeing. Các nhà sản xuất máy bay và nhà cung cấp đang điêu đứng vì mất đi một lượng lớn công nhân dày dạn kinh nghiệm trong đại dịch.

Cái khó của Airbus: Sản xuất bị kìm hãm, đơn đặt hàng chưa bằng 1/3 năm 2023, cổ phiếu giảm 20% từ đỉnh- Ảnh 1.

CEO Christian Scherer

Được biết, nhà sản xuất máy bay châu Âu đã triển khai một chương trình nội bộ mang tên Project Lead, tập trung chủ yếu vào những thách thức chuỗi cung ứng và cắt bỏ dự án phụ nhỏ để tập trung vào mục tiêu cốt lõi là thúc đẩy sản xuất.

Airbus hiện đã tăng số lượng nhân viên làm việc tại các cơ sở sản xuất nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn và theo dõi tiến độ. Ông Scherer không biết ngành công nghiệp này sẽ mất bao lâu để vượt qua những rào cản mới đây.

“Đây là vấn đề kéo dài - 3,4,5 năm, thậm chí là 10 năm, tôi không biết nữa”, József Váradi, Tổng giám đốc điều hành Wizz Air, hãng hàng không toàn Airbus từng đặt mục tiêu tăng gấp đôi đội bay lên 500 máy bay vào năm 2030, cho biết. Hiện hãng này kỳ vọng sẽ đạt được cột mốc đó vào năm 2032.

Những khó khăn trong chuỗi cung ứng của Airbus khiến Scherer, người gia nhập công ty vào năm 1984 và trước đó từng lãnh đạo đội ngũ bán hàng với tư cách giám đốc thương mại trong 5 năm, cảm thấy nản lòng. Ông đã dành phần lớn thời gian thuyết phục các nhà cung cấp lớn nhất của Airbus chuẩn bị trước tinh thần khi hành khách bay trở lại, song không ai để ý đến lời cảnh báo của ông.

“Tôi thất vọng”, Scherer nói. “Chúng tôi đã rao giảng rất nhiều. Thật đáng thất vọng khi một số người chơi lớn, tinh vi nắm bắt được mạch đập của ngành này, lại đặt câu hỏi về điều đó”.

Vào tháng 6, Airbus hoãn mục tiêu hàng tháng. Công ty cũng cắt giảm mục tiêu trong năm nay từ khoảng 800 máy bay xuống còn 770.

Trong tuyên bố mới nhất, Airbus cho biết: “Trong lĩnh vực máy bay thương mại, Airbus đang phải đối mặt với các vấn đề dai dẳng về chuỗi cung ứng, chủ yếu liên quan đến động cơ, cấu trúc thân máy bay và thiết bị trong khoang hành khách”.

Được biết, Airbus đã chủ động giảm dự báo về lợi nhuận hoạt động năm 2024 xuống 5,5 tỷ euro, so với mức dự báo trước đó là 6,5-7,0 tỷ euro. Công ty đạt mức lãi ròng 595 triệu euro trong quý I/2024, chủ yếu nhờ việc đẩy mạnh giao hàng và sản xuất với 142 máy bay thương mại đã được bàn giao cho khách hàng. Thành công này giúp Airbus vượt qua thủ Boeing của Mỹ với số lượng giao 83 máy bay thương mại trong cùng thời gian. Airbus cho biết hãng đã giành được 170 đơn đặt hàng mới trong quý I/2024 mà không có đơn hàng nào bị hủy.

“Quỹ đạo của chúng tôi rất tham vọng. Chúng tôi phải đưa chuỗi cung ứng về đúng vị trí”, Scherer cho biết.

Theo phân tích của hãng chế tạo máy bay Pháp, sau thời gian tạm lắng kéo dài do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nhu cầu về máy bay thân rộng đang tăng mạnh khi các hãng hàng không liên tục mở rộng công suất đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Để chiến thắng cuộc đua, Airbus sẽ cần phải thật nhanh, thật linh hoạt để không bị Boeing vượt mặt. Trong năm 2023, lợi nhuận ròng của Airbus đạt 3,8 tỷ Euro (4,1 tỷ USD), giảm 11% so với năm 2022.

Về kế hoạch phát triển tương lai, hiện Airbus đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ. Chi phí gia tăng làm trì hoãn kế hoạch của hãng trong việc sản xuất vệ tinh địa tĩnh. Hiện Airbus đang trong quá trình cải tổ nhân sự để thúc đẩy hơn nữa chiến lược toàn cầu, đặc biệt đối với các hoạt động phát triển, sản xuất sản phẩm không gian và quốc phòng.

Ước tính toàn ngành sẽ có 42.430 máy bay mới được giao trong 20 năm, bao gồm 41.490 máy bay chở khách. Số lượng của máy bay phản lực thân rộng cũng sẽ gia tăng.

Theo: WSJ, Reuters

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT