Cám cảnh chứng khoán Hàn Quốc: Cổ phiếu hấp dẫn nhưng nhà đầu tư nước ngoài không dám mua vì sợ Chaebol, bị bêu danh là ‘hàng giảm giá’

Giới trẻ Hàn Quốc điên cuồng đầu cơ chứng khoán để làm giàu nhanh, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài thì lại chê bai là 'hàng giảm giá'.

Cám cảnh chứng khoán Hàn Quốc: Cổ phiếu hấp dẫn nhưng nhà đầu tư nước ngoài không dám mua vì sợ Chaebol, bị bêu danh là ‘hàng giảm giá’ - Ảnh 1.

Hãng tin CNBC cho hay Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á nhưng thị trường chứng khoán nước này lại chẳng thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng các nước láng giềng khác. Thậm chí, cổ phiếu tại đây còn bị bêu danh là "hàng giảm giá" (Korean Discount).

Số liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cho thấy chỉ số Kospi của thị trường nước này có chỉ số P/B là 0,92 còn P/E là 18,93.

Về lý thuyết, chỉ số P/B dưới 1 cho thấy giá cổ phiếu đang bị đánh giá thấp so với giá trị ghi sổ và đáng để mua. Trong khi đó chỉ số P/E cao cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng thu nhập trong tương lai cũng cao.

Như vậy, chứng khoán Hàn Quốc thực sự là một tiềm năng lớn nếu xét theo các chỉ số với nhà đầu tư nước ngoài, thế nhưng dòng vốn quốc tế vẫn lo ngại với thị trường này.

Vậy chuyện gì đang diễn ra ở xứ sở kimchi nơi các tập đoàn gia đình trị (Chaebol) thống trị?

Cám cảnh chứng khoán Hàn Quốc: Cổ phiếu hấp dẫn nhưng nhà đầu tư nước ngoài không dám mua vì sợ Chaebol, bị bêu danh là ‘hàng giảm giá’ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nỗi sợ Chaebol

Giám đốc Vikas Pershad của một quỹ đầu tư chứng khoán Châu Á giải thích rằng thuật ngữ "hàng giảm giá" cho thị trường Hàn Quốc phản ánh xu thế giá cổ phiếu tại đây thường được định giá thấp hơn so với thực tế.

Về lý thuyết thì đây sẽ là cơ hội đầu tư cho mọi người, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài lại chẳng dám đổ tiền vào đây vì câu chuyện đằng sau cực kỳ phức tạp.

Đầu tiên, nếu giá trị cổ phiếu luôn bị đánh giá thấp so với thực tế thì khi đổ tiền vào mua, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rơi vào cái bẫy giá trị (Value Trap), nghĩa là giá cổ phiếu tiếp tục trì trệ như vậy mà chẳng tăng trưởng dù chỉ số P/E cực kỳ cao.

Tiếp đó, giám đốc Jiang Zhang của hãng đầu tư First Plus Asset Management cho biết điều kiện để thúc đẩy giá các cổ phiếu Hàn Quốc bùng nổ mạnh vượt các chỉ số lý thuyết là không hề có.

Những rủi ro về địa chính trị với Triều Tiên, sự hạn chế của chính phủ với dòng vốn quốc tế nhằm chống rửa tiền hay sự thao túng của các Chaebol đều khiến chứng khoán Hàn Quốc dù rẻ nhưng không hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới này bị kiểm soát bởi hệ thống các Chaebol khi những tập đoàn lớn ảnh hưởng đến thị trường phần lớn đều là gia đình trị, tức là bị kiểm soát bởi gia tộc người sáng lập.

Những Chaebol này có thể là một hoặc một nhóm công ty sở hữu lẫn nhau vô cùng phức tạp, bao gồm những cái tên nổi tiếng như Samsung, LG, SK hay Huyndai.

Năm 2022, riêng Samsung và các công ty liên kết của hãng đã đóng góp đến 22,4% GDP cho Hàn Quốc, chứng minh sức ảnh hưởng vô cùng to lớn của các Chaebol.

Cám cảnh chứng khoán Hàn Quốc: Cổ phiếu hấp dẫn nhưng nhà đầu tư nước ngoài không dám mua vì sợ Chaebol, bị bêu danh là ‘hàng giảm giá’ - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Chính điều này đã khiến nhà đầu tư nước ngoài khá e dè với chứng khoán Hàn Quốc dù các chỉ số vô cùng hấp dẫn.

Giám đốc điều hành Jeremy Tan của Tiger Fund Management nhận định các Chaebol thường có cấu trúc mạng lưới doanh nghiệp cực kỳ phức tạp, dẫn đến hiệu năng quản trị kém, tính minh bạch và quyền cổ đông cũng không cao.

Nói đơn giản là dưới sự ảnh hưởng của các tập đoàn gia đình trị, các nhà đầu tư ngoài chỉ có rất ít ảnh hưởng đến quyết định chiến lược với công ty, khiến họ bị thiệt hại nếu mua cổ phiếu.

Theo giám đốc Zhang từ First Plus Asset Management, những doanh nghiệp Hàn Quốc bị chi phối bởi Chaebol có thể theo đuổi các hoạt động kinh doanh không liên quan đến mảng cốt lõi, dẫn đến thua lỗ và gây hại cho các cổ đông.

Tiền của ai?

Cũng theo ông Zhang, các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc thường coi tiền công ty là của họ chứ không phải của cổ đông nên thường tự ý sử dụng gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Chính điều này đã dẫn đến tình trạng cổ tức rất thấp hoặc không có, một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài chê bai chứng khoán Hàn Quốc.

Giám đốc Zhang cho hay tỷ lệ chi trả cổ tức trung bình tại doanh nghiệp Hàn Quốc chỉ vào khoảng 15-20%, thấp hơn nhiều so với 30% ở Trung Quốc, 40% ở Nhật Bản và thậm chí là 50% ở nhiều công ty Đông Nam Á.

Cám cảnh chứng khoán Hàn Quốc: Cổ phiếu hấp dẫn nhưng nhà đầu tư nước ngoài không dám mua vì sợ Chaebol, bị bêu danh là ‘hàng giảm giá’ - Ảnh 4.

Về lý thuyết, nhiều quỹ đầu tư chấp nhận giữ cổ phiếu dù không thu hút dòng vốn trên thị trường bởi họ kỳ vọng sẽ nhận được cổ tức hàng năm. Đây là chiến lược mà tỷ phú Warren Buffett thường sử dụng, đó là đầu tư dài hạn, nắm giữ cổ phiếu để ăn cổ tức, đồng thời hưởng lợi khi giá chứng khoán tăng.

Tuy nhiên trong trường hợp Hàn Quốc, giá cổ phiếu vẫn luôn bị chê bai là "hàng giảm giá" nên không tăng mạnh vượt mức chỉ số P/B, trong khi cổ tức cũng cực kỳ thấp hoặc thậm chí là không có.

Báo cáo của IHS Markit năm 2022 từng nhấn mạnh rằng ngày giao dịch không hưởng quyền tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc thường diễn ra trước ngày công bố cổ tức.

Trong đó ngày giao dịch không hưởng quyền là thời hạn mà nhà đầu tư cần sở hữu một lượng cổ phiếu nhất định để được hưởng cổ tức.

Thông thường tại các thị trường chứng khoán lớn khác, thông báo về cổ tức và ngày giao dịch không hưởng quyền thường được công bố rộng rãi trước khi thời hạn trôi qua, nhưng ở Hàn Quốc thì ngược lại.

Chính điều này khiến các cổ đông, nhất là nhà đầu tư nước ngoài phải chịu rủi ro lớn khi không biết sẽ được hưởng bao nhiêu cổ tức.

Vậy là trong khi giới trẻ Hàn Quốc đua nhau đổ tiền vào chứng khoán để đầu cơ làm giàu thì các nhà đầu tư nước ngoài lại chẳng mấy mặn mà với thị trường này.

*Nguồn: CNBC

Băng Băng

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT