Cám cảnh ‘kỳ lân’ hóa ‘zombie’: Nhà sáng lập trả lại tiền huy động vì quá xấu hổ, startup tỷ USD giờ lẳng lặng rao bán mình

Mùa đông năm nay của giới startup đang "lạnh" hơn bao giờ hết.

WeWork huy động được hơn 11 tỷ USD tài trợ, trong khi Olive AI, công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe, huy động được 852 triệu USD. Convoy, startup thuộc lĩnh vực vận tải hàng hóa, cũng nhận về 900 triệu USD sau nhiều vòng gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần.

Tuy nhiên, chỉ trong hơn 1 tháng qua, cả 3 công ty này đều đã nộp đơn xin phá sản. Các chuyên gia cho rằng đây chỉ là khởi đầu cho chuỗi sụp đổ của loạt các startup công nghệ cạn tiền trong bối cảnh giới đầu tư không còn hứng thú với việc rót vốn hàng loạt.

Vào tháng 8, Hopin, công ty khởi nghiệp từng huy động được hơn 1,6 tỷ USD với mức định giá 7,6 tỷ USD đã chấp nhận bán mình với giá vỏn vẹn chỉ 15 triệu USD. Tháng trước, Zeus Living, startup bất động sản từng huy động được 150 triệu USD, cũng tuyên bố đóng cửa, trong khi Plastiq, một công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính chính thức phá sản vào tháng 5.

Đến tháng 9, Bird, công ty xe tay ga từng huy động được 776 triệu USD, cũng đã bị hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York vì giá cổ phiếu quá thấp. Vốn hóa thị trường chỉ còn vỏn vẹn 7 triệu USD, tức thấp hơn cả giá căn biệt thự Miami trị giá 22 triệu USD mà nhà sáng lập Travis VanderZanden đã mua vào năm 2021.

“Tất cả chúng ta nên chuẩn bị tinh thần chứng kiến nhiều sự sụp đổ hơn nữa”, Jenny Lefcourt, một nhà đầu tư tại Freestyle Capital, cho biết.

Rất khó để biết chính xác khoản lỗ của các startup này. Bức tranh u ám toàn ngành đang được che đậy bởi sự bùng nổ của loạt công ty hoạt động trong lĩnh AI - thứ vốn thu hút được rất nhiều sự quan tâm cũng như nguồn tài trợ dồi dào.

Khoảng 3.200 công ty tư nhân Mỹ đã phá sản trong năm nay, theo dữ liệu do PitchBook tổng hợp. Những công ty này đã huy động được tổng cộng 27,2 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm trong suốt khoảng thời gian thị trường hưng phấn.

Carta - công ty cung cấp dịch vụ tài chính cho nhiều công ty khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon cho biết, 87 startup từng huy động ít nhất 10 triệu USD trên nền tảng đã ngừng hoạt động trong năm nay, gấp đôi con số của cả năm 2022. Năm nay được mệnh danh là “năm khó khăn nhất sau 1 thập kỷ đối với các công ty khởi nghiệp”, theo Peter Walker, đại diện Carta.

Các nhà đầu tư dự đoán khoản lỗ của các startup công nghệ sẽ tiếp tục phình to do tác động tiêu cực của nền kinh tế chung. Điều này trái ngược hoàn toàn với khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2022, khi đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tư nhân Mỹ tăng gấp 8 lần lên 344 tỷ USD. Dòng tiền chủ yếu được thúc đẩy nhờ lãi suất thấp cũng như sự lên ngôi của mạng xã hội và các ứng dụng di động.

Trong thời kỳ đó, đầu tư mạo hiểm đã trở thành xu hướng. Số lượng các công ty “kỳ lân” trị giá 1 tỷ USD trở lên đã bùng nổ từ vài chục lên tới hơn 1.000.

Giờ đây, nhiều công ty chấp nhận đóng cửa. Số khác bị mắc kẹt trong chế độ “thây ma” - tức sống mà không thể phát triển. Những công ty như vậy sẽ rất khó huy động được thêm vốn.

Convoy, công ty khởi nghiệp vận tải hàng hóa được các nhà đầu tư định giá 3,8 tỷ USD, đã dành 18 tháng qua để cắt giảm chi phí, sa thải nhân viên và thích ứng với thị trường khó khăn. Tuy nhiên, khi nguồn tiền đã cạn, startup này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đóng cửa. Dan Lewis, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Convoy cho biết, “đây là một cơn bão hoàn hảo”.

Nhiều startup ngậm ngùi trả lại tiền cho giới đầu tư vì xấu hổ và Dayslice là ví dụ điển hình. Công ty về phần mềm lập lịch trình này làm vậy vì tự thấy mình không thể làm hài lòng được các nhà đầu tư.

Gabor Cselle, người sáng lập Pebble, một công ty khởi nghiệp về truyền thông xã hội, cũng có động thái tương tự. “Tôi cảm thấy đó là điều nên làm”, anh nói.

Theo Bloomberg, những biến động trong ngành ngân hàng thế giới cùng loạt rủi ro kinh tế suy thoái đang khiến thị trường IPO toàn cầu gặp “rắc rối”. Tính từ đầu năm cho đến tháng 3/2023, các công ty trên thế giới chỉ huy động được 19,7 tỷ USD thông qua các đợt IPO. Con số trên giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2019.

Dẫu vậy, một số chuyên gia vẫn có cái nhìn dài hạn tích cực.

“Mọi người đều nghĩ IPO đã chết. Thực tế không phải vậy”, Paul Kwan, giám đốc điều hành của công ty liên doanh General Catalyst kiêm cựu giám đốc một chi nhánh của Morgan Stanley, cho biết.

Kế hoạch tăng lãi suất đặc biệt gây đau đớn cho các công ty khởi nghiệp tư nhân không có lãi. Ông Kwan dự đoán từ nay cho đến khi lãi suất ổn định, khó có khả năng IPO sẽ diễn ra. Sự gia tăng các hoạt động mua bán và sáp nhập, nếu có, sẽ chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng tới.

“Việc nhà sáng lập có trở thành tỷ phú hay không có lẽ không còn quan trọng nữa. Vấn đề lớn nhất là sự dịch chuyển và khủng hoảng về niềm tin”, nhà sáng lập Eric Paley của Founder Collective nhận định.

Jason Greenberg, đồng giám đốc công nghệ, truyền thông và viễn thông toàn cầu cảnh báo một số công ty có thể buộc phải niêm yết sớm vì quá ‘khát’ vốn. Chẳng hạn, Stripe vào tháng 3 huy động hơn 6,5 tỷ USD một phần để thanh toán các khoản nợ. Instacart cũng sử dụng “một cách hiệu quả” toàn bộ số tiền thu được từ đợt IPO để giải quyết các chi phí liên quan trước đó. Theo Don Butler, giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Thomvest, một trong những yếu tố thúc đẩy startup tiếp cận thị trường đại chúng là nhu cầu thanh khoản của các nhà đầu tư.

“Kế hoạch niêm yết có thành công hay không ư? Không đâu. Mọi thứ chỉ ổn sau 6 tháng nữa”, ông Jason Greenberg nói.

Theo: The New York Times, FT

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT