Căn hộ phía Nam giao dịch đột biến
Những thông tin tích cực về hạ tầng, sáp nhập đã và đang hỗ trợ rất tốt cho thanh khoản bất động sản phía Nam đầu năm 2025. Sau những đợt thăm dò thị trường, đến nay các doanh nghiệp “tổng tấn công” dự án và ghi nhận sức cầu khả quan.
Mới đây, tại TP.Thuận An (Bình Dương), hơn 200 căn hộ dự án The Emerald 68 của Tập đoàn Lê Phong và Coteccons được tiêu thụ sau 3 giờ mở bán. Với hơn 600 khách hàng tham dự, 200 căn hộ có chủ trong vòng buổi sáng là không quá nhiều nếu so sánh với giai đoạn thị trường trước năm 2019. Song, điều gây bất ngờ là khoảng cách giữa các đợt mở bán khá ngắn nhưng dự án này hút được lượng người mua quan tâm đáng kể.
Đáng nói, có nhiều nhà đầu tư chọn mua sỉ từ 6 đến 20 căn hộ tại dự án. Thanh khoản dự án tích cực, một phần bởi người mua kì vọng mức tăng giá mạnh sau thông tin sáp nhập tỉnh, thành; phần khác dự án nằm ngay mặt tiền quốc lộ 13 - tuyến hạ tầng được TP.HCM ấn định mở rộng vào cuối năm 2025 nên đã tác động tích cực đến tâm lý người mua.

Khung cảnh mở bán một dự án căn hộ tại Tp.Thuận An (Bình Dương) sáng ngày 30/3/2025. Ảnh: Hạ Vy
Trước đó không lâu, tại Thủ Dầu Một, phân khu cao tầng Orchard Heights thuộc dự án Sycamore của CapitaLand được rao bán từ 55 - 65 triệu đồng/m2 cũng tiêu thụ gần 700 căn.
Nhìn qua Dĩ An, dự án Phú Đông SkyOne gần đây liên tục tăng lượng giữ chỗ. Theo phòng kinh doanh dự án, khách tìm hiểu dự án tăng lên khoảng 30% so với thời điểm trước Tết.
So với giai đoạn trước năm 2019, diễn biến thị trường căn hộ Bình Dương ở hiện tại đã hồi phục sức mua khoảng 70 - 80%. Sau thời gian thăm dò thị trường, đến nay, các chủ đầu tư tự tin bung hàng.
Đáng nói, khoảng cách giữa các đợt giới thiệu/mở bán dự án khá ngắn nhưng thu hút được lượng khách hàng đông đúc. Dù chỉ mới đầu quý 2/2025 song lượng tiêu thụ ở các dự án bất động sản tăng lên cho thấy sự hồi phục rõ nét trong bức tranh bất động sản ở từng khu vực, dự án. Đà hồi phục này đang tiến gần đến mốc thị trường giai đoạn 2020-2022.
Thực tế, sức nóng của các dự án căn hộ tại TP.HCM hay Bình Dương đã được dự đoán trước đó. Trong bối cảnh nguồn cung mới ngày càng khan hiếm, tâm lý người mua hồi phục, lãi suất giữ mức ổn định và các thông tin hạ tầng, sáp nhập liên tục xuất hiện,... đã tác động đến thanh khoản các dự án.
Trong dữ liệu mới đây của Batdongsan.com.vn, sau thông tin sáp nhập tỉnh, thành mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản tăng đáng kể tại một số khu vực Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Trong đó, tại Bình Dương, TP.Thuận An và Bến Cát mức độ quan tâm bất động sản tăng 26%, cao nhất khu vực, tiếp đến là TP.Dĩ An với 23%, Dầu Tiếng khoảng 19% và Bàu Bàng là 10%.
Trong khi, tại Đồng Nai, Vĩnh Cửu và Nhơn Trạch dẫn đầu khu vực về tỉ lệ quan tâm bất động sản, lần lượt chiếm 42% và 41%. Sự gia tăng này phản ánh tâm lý tích cực và sự đồng thuận của nhà đầu tư với tiềm năng của việc sáp nhập, đặc biệt tại các khu vực có vị trí chiến lược gần TP.HCM.

Trong bối cảnh nguồn cung mới ra thị trường hạn chế, chi phí giá đầu vào gia tăng càng khiến người mua có động lực để tranh thủ “xuống tiền” ở giai đoạn này. Ảnh: Minh hoạ
Có thể thấy, từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025 thị trường phía Nam liên tục ghi nhận tín hiệu "tốt lành" từ các dự án bung thị trường. Nếu đất nền "nóng" cục bộ, tập trung chủ yếu tại khu ven TP.HCM như Quận 9, Hóc Môn, Nhơn Trạch (Đồng Nai) thì căn hộ lại sôi nổi ở Bình Dương - nơi có nguồn cung căn hộ dồi dào nhất nhì khu vực phía Nam. Đáng nói, nhu cầu ở và đầu tư tích cực, phân khúc giá vừa tầm tài chính của số đông vẫn được ưa chuộng, dễ hấp thụ.
Thậm chí, theo một số doanh nghiệp địa ốc, các dự án bắt đầu vào "guồng" bung hàng khiến sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tăng lên. Một số chủ đầu tư chọn "điểm rơi" chào bán sản phẩm, đồng thời tăng cường chính sách bán hàng cạnh tranh để thu hút khách mua.
Chia sẻ mới đây, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Vietnam cho hay, năm 2025 sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một chu kì mới của thị trường bất động sản với nguồn cung phong phú và chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các chủ đầu tư dự án.
Vị này cho rằng, từ giai đoạn cuối năm 2024, thị trường chào đón nhiều tín hiệu tích cực khi nhịp độ giao dịch trở lại sôi động hơn. Nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất lớn, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Đây là yếu tố động lực giúp thị trường có thể duy trì qua giai đoạn khó khăn. Hạ tầng giao thông và các chính sách cũng có sự thay đổi, tạo điều kiện cho bất động sản phát triển, thúc đẩy tâm lý người mua vào thị trường.
Dẫu vậy, theo bà Dung, giữa bối cảnh các bên đều kỳ vọng tín hiệu tốt ở chu kỳ mới thì bất động sản vẫn hiện hữu một số thách thức. Cụ thể, nhiều dự án đang trong giai đoạn nỗ lực xử lý các vướng mắc về pháp lý, quy hoạch,… để có thể tái khởi động. Điều này phần nào làm hạn chế nguồn cung ra thị trường, đặc biệt là tại TP.HCM. Ngoài ra, yếu tố mất cân đối sản phẩm, lệch về phân khúc cao cấp cũng là thách thức không nhỏ. Việc mức giá tăng cao trong thời gian ngắn đã cản trở khả năng mua nhà của đại đa số người dân.
Hạ Vy