Càng nghi ngờ cổ phiếu càng tăng dựng đứng, nhiều 'tay to' thắng lớn khi đặt cược vào FPT Retail, một CTCK tạm lãi vài trăm tỷ chỉ sau ít tháng
Bất chấp thị trường chung giằng co, cổ phiếu FRT của FPT Retail trong những ngày gần đây liên tục bứt phá mạnh, tăng gấp rưỡi kể từ đầu năm.
Trong bối cảnh ngành ICT còn nhiều khó khăn, động lực tăng trưởng chính của FRT được giới phân tích nhận định đến từ "át chủ bài" Long Châu. Năm 2023 cũng chính là năm đầu tiên doanh thu của Long Châu vượt mặt FPT Shop và trở thành một nhân tố "gánh team" cho Công ty.
Cùng nhảy vào khai thác mảng dược với loạt đại gia bán lẻ ICT khác, trong khi các bên lần lượt bỏ cuộc hoặc dừng lại không triển khai mạnh mẽ, một mình FRT vẫn kiên trì và chính thức "hái quả ngọt" sau khi tìm ra công thức thành công.
Năm 2021, Long Châu đã ghi nhận có lãi, "về đích" sớm 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Tính đến hiện tại, Long Châu tiếp tục mở rộng khi mở mới 560 cửa hàng trong năm 2023, nâng số lượng nhà thuốc phát sinh doanh thu lên đến 1.497 nhà thuốc. Đáng chú ý, doanh thu trung bình/nhà thuốc/tháng vẫn duy trì được mức gần 1,1 tỷ đồng trong cả năm qua.
Chưa dừng lại, FRT cũng tham gia vào mảng mới là Trung tâm tiêm chủng Long Châu – cũng được xem là mảnh đất còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
Đi cùng với kỳ vọng về Long Châu, cổ phiếu FRT tính đến hiện tại cũng tăng gấp 15 lần thị giá sau 4 năm (kể từ mức đáy thiết lập vào đầu tháng 3/2020). Đây không chỉ là "quả ngọt" cho doanh nghiệp, mà còn cho những nhà đầu tư kiên trì với khoản đầu tư vào cổ phiếu FRT.
Đầu tiên phải nhắc đến Dragon Capital, hiện cũng là nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ số lượng nhiều nhất với 10,6% vốn, tương đương 16,5 triệu cổ phiếu FRT. Tạm tính theo thị giá hiện tại, khoản đầu tư của quỹ ngoại này đang có giá trị hơn 2.400 tỷ đồng.
Dragon Capital là 1 trong 2 quỹ ngoại sớm mua hơn 30% vốn FRT giai đoạn Công ty mới niêm yết trên sàn với mức giá được biết cao gấp 8-9 lần thị giá lúc bấy giờ. Thời gian đầu, khoản đặt cược này của Dragon Capital tỏ ra chưa hiệu quả khi FRT có thời gian liên tục giảm điểm trong bối cảnh ngành ICT hạ nhiệt, Long Châu còn đang thử nghiệm. Năm 2020, Dragon Capital liên tục bán ra cổ phần FRT và hạ tỷ trọng về sát mức 5% vốn. Sau đó, Dragon Capital bắt đầu "đặt cược" trở lại vào FRT từ năm 2022, và liên tục tăng tỷ trọng cho đến hiện tại.
Cùng tham gia mua vào 15% vốn từ Tập đoàn FPT năm 2018, VinaCapital cũng thắng lớn khi gần như "hold" số cổ phiếu FRT từ đó đến nay. Tương tự Dragon Capital, VinaCapital cũng lần lượt bán ra lượng lớn cổ phần FRT giai đoạn sụt giảm mạnh năm 2020.
Hay Chứng khoán SHS, đơn vị này đang nắm 2,6% vốn – tương đương 3,6 triệu cổ phiếu FRT với giá vốn khoảng 84.000 đồng/cp. Tính đến hiện tại, khoản đầu tư của SHS theo tính toán đã tăng hơn 80% chỉ sau vài tháng, ước lãi khoảng 220 tỷ đồng.
FRT cũng vừa công bố lịch họp ĐHĐCĐ thường niên dự kiến diễn ra vào tháng 4/2024. Năm 2023, FRT ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 31.850 tỷ - tăng 6% so với năm 2022. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là -294 tỷ đồng.