Cảnh báo lừa đảo vay nóng nhức nhối trên khắp châu Á: Nạn nhân sốc vì lãi mẹ đẻ lãi con, trả lại tiền sau 1 ngày vay vẫn bị dày vò

Các liên kết trên mạng xã hội và dịch vụ nhắn tin như Telegram đang bị lợi dụng để truyền bá ứng dụng lừa đảo mới.

Rắc rối thường bắt đầu với các quảng cáo trên mạng xã hội, chẳng hạn như: “Nhận khoản vay 500 USD chỉ trong 20 phút. Không cần giấy tờ. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là tải xuống ứng dụng trên”.

Thấy hấp dẫn, các nạn nhân ngây thơ tải xuống ứng dụng mà không biết rằng mình đang gián tiếp trao quyền truy cập danh sách liên lạc và ảnh. Ngay ngày hôm sau, bạn bè, các thành viên gia đình và đồng nghiệp bắt đầu nhận được email, thông báo nạn nhân đang gặp khó khăn trong việc thanh toán ngay lập tức một khoản nợ lớn.

Nếu cách này không hiệu quả, người điều hành ứng dụng có thể tăng áp lực bằng cách phát tán những bức ảnh riêng tư, nhạy cảm. Một số nạn nhân còn bị gửi hoa tang và quan tài tới tận nhà như một thông điệp cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu khất nợ. Số khác thì liên tục nhận được các tin nhắn kiểu như khoản vay gốc cộng thêm lãi suất đã tăng vượt mức họ có thể tưởng tượng.

Vấn nạn lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ, sau đó lan rộng khắp châu Á. “Cứ vài tuần, một số ứng dụng mới sẽ xuất hiện. Nhiều người bị lừa lắm và họ xóa chúng đi. Tuy nhiên, một thời gian sau, ứng dụng sẽ lại xuất hiện với tên mới, giao diện mới”, Mukesh Choudhary, founder CyberVeer Foundation - tổ chức chuyên tư vấn cho các quan chức Ấn Độ, nói.

Theo chính quyền địa phương, một số nạn nhân bế tắc đã tìm đến cướp bóc và bạo lực để tự giải thoát mình. Năm ngoái, cảnh sát đã bắt giữ một người phụ nữ 24 tuổi ở thành phố Pune, Ấn Độ vì tội giết người cướp tài sản. Động cơ được cho là để trả hết nợ cho ứng dụng vay nóng.

Cuối năm ngoái, Lookout - một công ty tư vấn mạng an ninh di động, cho biết họ đã tìm thấy gần 300 ứng dụng cho vay tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh. Những ứng dụng này đều chủ đích lợi dụng, thu thập dữ liệu và quấy rối các nạn nhân để đòi tiền. Nhóm đã tìm thấy 251 ứng dụng như vậy trên cả Google Play Store và chúng được tải xuống tổng cộng 15 triệu lần. 35 ứng dụng cho vay cũng được ghi nhận trên App Store.

Theo một tổ chức bảo vệ phụ nữ và trẻ em trực tuyến tại Ấn Độ, hàng loạt cuộc gọi đã được ghi nhận trong đại dịch COVID-19, chủ yếu từ những người trong độ tuổi 25-40 bị mất việc làm và đang phải vật lộn thanh toán các hóa đơn.

“Sự phổ biến rộng rãi của điện thoại di động đã khiến nước này trở thành mục tiêu”, Unmesh Joshi, đại diện tổ chức này cho biết.

Vinit Kapoor, phóng viên một tờ báo tại Ấn Độ, đã tải xuống ứng dụng cho vay và nhận 5.000 rupee, tương đương khoảng 60 USD. Một tuần là khoảng thời gian anh này phải thanh toán hết số nợ.

Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau khi Vinit Kapoor đã hoàn trả đầy đủ 5.000 rupee, anh chàng bắt đầu nhận được các cuộc điện thoại quấy rối nói rằng món nợ thực chất lớn hơn nhiều. Một số hình ảnh của vợ anh cũng bị lồng ghép thông tin nhạy cảm sai sự thật để gây áp lực.

“Họ đã hủy hoại hình ảnh của tôi và gia đình”, anh nói và nhanh chóng báo cáo vụ việc cho cảnh sát. Hiện 2 bị cáo đã bị bắt giữ chờ xét xử.

Ở Philippines, một số nạn nhân cho biết khiếu nại của họ với cảnh sát địa phương chẳng đi đến đâu. Phía cơ quan thực thi pháp luật cho rằng rất khó để bắt giữ những kẻ chủ mưu đang hoạt động bên ngoài biên giới.

Đại diện Google và Apple cho biết hầu hết các ứng dụng cho vay lừa đầu đều vi phạm quy tắc của hãng. Vào tháng 5, Google giới hạn lượng thông tin nhạy cảm mà các ứng dụng cho vay cá nhân được phép truy cập từ người dùng, chẳng hạn như ảnh và danh bạ. Tháng 7 này, Apple cũng đã gỡ bỏ một số ứng dụng cho vay được xếp hạng phổ biến.

Các ứng dụng cho vay lừa đảo đang cố gắng thích nghi. Chiến thuật mới bao gồm tạo ra các ứng dụng trông có vẻ hợp pháp để đáp ứng mọi yêu cầu cơ bản, sau đó mới tung ra các bản cập nhật có chứa mã độc. Google khuyến nghị người dùng tự bảo vệ mình bằng cách chạy phần mềm mà hãng cung cấp để quét mã phát hiện rủi ro.

Theo các nguồn tin an ninh mạng, các liên kết trên mạng xã hội và dịch vụ nhắn tin như Telegram đang bị lợi dụng để truyền bá các ứng dụng lừa đảo mới. Ruohan Xiong, nhà nghiên cứu bảo mật cấp cao tại Lookout, cũng cho biết kẻ lừa đảo đang sử dụng một số các giải pháp phi kỹ thuật, chẳng hạn như yêu cầu người dùng liệt kê một số tài liệu tham khảo cá nhân khi đăng ký vay.

Kikay Bautista, một nạn nhân cho biết cô đã vay tiền từ rất nhiều ứng dụng khác nhau để trả lãi. Khoản nợ đến nay đã lên tới gần 100.000 peso (1.805 USD) và Bautista liên tục bị kẻ xấu lăng mạ, xuyên tạc thông tin cá nhân trên Facebook. “Điều tôi không thể chấp nhận là họ đang hủy hoại danh tiếng của tôi”, Kikay Bautista nói và cho biết hiện cô đang điều hành một nhóm hỗ trợ trực tuyến dành cho các nạn nhân. Nhóm hiện đang cố gắng thuyết phục các công ty truyền thông xã hội xóa mọi bài đăng lạm dụn, đồng thời phản ánh vấn nạn lên phía cơ quan thực thi pháp luật.

Theo: Bloomberg

Vũ Anh

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT