Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Cảnh báo những chiêu trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng dịp cận Tết Nguyên đán 2024

Phạm Thị Tâm

Trong dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều đối tượng sử dụng các chiêu trò lừa đảo trực tuyến để chiếm đoạt thông tin, tài sản của người dân.

Lừa đảo “hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo”

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), hiện trên mạng xã hội Facebook, các hội nhóm với tên "Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo", "Lấy lại tiền bị lừa qua mạng"… xuất hiện tràn lan cùng với các trang web mang giao diện tương tự với đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư…

Phía dưới các bài đăng là hàng loạt các tin nhắn bình luận "đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết". Đối tượng yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3 - 5 triệu đồng. Điểm chung của các đối tượng lừa đảo bằng hình thức này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam.

Chiêu trò của các đối tượng không mới nhưng vẫn đủ tinh vi để khiến cho nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy.

canh-bao-nhung-chieu-tro-lua-dao-chiem-doat-tai-san-qua-khong-gian-mang-dip-can-tet-nguyen-dan-2024-antt-1-1706936579.PNG
Ảnh minh họa

Những bình luận hoặc tin nhắn trong các hội nhóm, giới thiệu đã lấy lại được tiền lừa đảo hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo và các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo, thu hồi nợ treo trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.

“Điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Nếu chẳng may là bị hại của một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần hết sức bình tĩnh, khẩn trương liên hệ với cơ quan công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Lừa đảo việc làm thêm trên mạng xã hội

Lợi dụng tâm lý của nhiều người muốn kiếm thêm thu nhập để có chi phí trang trải dịp Tết, một số đối tượng áp dụng chiêu lừa đảo tuyển dụng lao động thời vụ, làm việc tại nhà với mức lương hấp dẫn.

Các đối tượng thường nhắm đến nạn nhân là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình - thấp đang có nhu cầu tìm việc làm thêm.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên cẩn trọng với các lời giới thiệu việc làm trên mạng xã hội, cần tìm hiểu kĩ về người giới thiệu và chính sách của công ty mà đối tượng nhắc tới. Không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng. Tuyệt đối không đặt cọc cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào khi chưa nắm bắt rõ ràng thông tin và mức độ uy tín.

Khi có nhu cầu tìm việc, người dân nên tìm đến các văn phòng, công ty có uy tín hoặc các trang web chính thống của họ. Người dân lưu ý không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.

Sử dụng AI tạo giọng nói và hình ảnh giả mạo

Theo các chuyên gia Bkav cho biết, nửa cuối năm 2023 và đặc biệt là khoảng thời gian giáp Tết Nguyên đán 2024, doanh nghiệp này liên tục nhận được các báo cáo cũng như yêu cầu trợ giúp của nạn nhân về các vụ việc lừa đảo tương tự như trên.

Phân tích của các chuyên gia công ty này cho hay, đối tượng lừa đảo sử dụng AI để tạo sẵn một đoạn video giả mạo gương mặt và giọng nói của chủ tài khoản Facebook (Deepfake). Khi được yêu cầu gọi điện video call để chứng thực, chúng đồng ý nhận cuộc gọi nhưng sau đó nhanh chóng ngắt kết nối để tránh bị phát hiện.

Với thủ đoạn này, nhiều người đã trở thành nạn nhân của các cuộc lừa đảo tài chính sử dụng Deepfake và có sự tham gia của công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia an toàn thông tin, người dùng cần đặc biệt nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân (căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, mã OTP…); không chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại, mạng xã hội, các trang web có dấu hiệu lừa đảo. Khi có yêu cầu vay/chuyển tiền vào tài khoản qua mạng xã hội, người dùng nên thực hiện các phương thức xác thực khác như gọi điện thoại hay sử dụng các kênh liên lạc khác để xác nhận lại.

Giả mạo chữ ký số

Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Trung tâm VNCERT/CC, Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cảnh báo, thời điểm đầu năm 2024, lợi dụng mùa quyết toán thuế của các cá nhân, doanh nghiệp, xuất hiện tình trạng lừa đảo giả mạo đơn vị cung cấp chữ ký số.

Đơn vị này cho biết, bằng việc gửi email trực tiếp thông báo chữ ký số đã hết hạn, kẻ mạo danh yêu cầu khách hàng gia hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong khi gói dịch vụ đang còn thời hạn sử dụng.

Trung tâm VNCERT/CC đã ghi nhận nhiều phản ánh với nội dung email thông báo về việc chữ ký số của công ty đã hết hạn và cần gia hạn ngay như: “Dấu điện tử của công ty đang thuộc diện token: bản cũ - hết hạn. Ngừng ký gửi thầu, hóa đơn, kê khai thuế sau ngày… Công ty cần liên hệ ngay để gia hạn dịch vụ, tránh bị khóa tài khoản…” hoặc “Token bị khóa và tạm ngừng ký gửi thuế cần liên hệ với hệ thống hoặc giao dịch viên để gia hạn dịch vụ. Ngừng ký gửi thầu, hóa đơn, kê khai tại ngày…”

Qua đánh giá, Trung tâm VNCERT/CC nhận thấy các email giả mạo này thường có đuôi “.gmail” hoặc tên miền từ nước ngoài.

Nội dung email chỉ nêu chung chung không thể hiện được đơn vị cung cấp hoặc đại lý được ủy quyền. Số điện thoại liên hệ trong email chỉ để số điện thoại của giao dịch viên và được thay đổi liên tục.

Cách thức lừa đảo này cũng rất bài bản. Ban đầu, kẻ lừa đảo sẽ gửi email thông báo chữ ký số của cá nhân, doanh nghiệp sắp hết hạn. Sau đó vài ngày, kẻ lừa đảo tiếp tục gửi thông báo trong ngày hôm đấy chữ ký số sẽ hết hạn và cần gia hạn ngay. Khi cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp phản hồi, kẻ mạo danh sẽ tiếp tục gửi email token bị khóa và tạm ngưng tài khoản.

Bằng hình thức trên, nhiều người “nhẹ dạ cả tin” sẽ dễ bị lừa và mất tiền oan.

Mai Linh (t/h)