Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Casper Việt Nam lỗ đậm 467 tỷ trong năm 2022

Phạm Thị Tâm

Năm 2022, Casper Việt Nam lỗ sau thuế gần 467 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu giảm gần một nửa từ gần 1.008 tỷ đồng còn 531,5 tỷ đồng.

casper-viet-nam-lo-dam-467-ty-trong-nam-2022-antt-1681037289.JPG
Năm 2022, Casper Việt Nam lỗ sau thuế gần 467 tỷ đồng. Ảnh minh họa

CTCP Tập đoàn Casper Việt Nam vừa có văn bản số 2903/2023/CPG-CBTTBCTC về việc công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022.

Theo đó, năm 2022, doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế ở mức âm gần 467 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi gần 60,6 tỷ đồng.

Thông tin trên VnExpress, mặc dù doanh thu năm 2022 tăng 19% so với cùng kỳ lên 5.600 tỷ đồng (chưa tính thuế VAT), tuy nhiên, tổng chi phí hỗ trợ bán hàng tăng 58% lên 1.095 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế ở mức âm.

Theo chia sẻ của Casper Việt Nam, doanh nghiệp chủ động hy sinh lợi nhuận, để tăng cường thị phần, giữ ổn định kênh.

Với khoản lỗ đậm, vốn chủ sở hữu của Casper Việt Nam tính đến cuối năm 2022 giảm gần một nửa từ gần 1.008 tỷ đồng còn 531,5 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả dâng lên gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, vay ngân hàng (nợ thuần) là 1.200 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh từ 6% xuống âm 87,9% và hệ số nợ phải trả trên vốn chủ tăng từ 2,3 lần lên 5,64 lần.

Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ từ 0 (tại thời điểm đầu năm) tăng lên 0,56 lần (tại ngày 31/12/2022). Nguyên nhân là do tháng 6/2022, công ty đã phát hành lô trái phiếu CPGCH2225001 trị giá 300 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Được biết, lô trái phiếu có lãi suất phát hành là 11%/năm, kỳ hạn trả lãi là 6 tháng/lần. Trong năm ngoái, công ty đã chi hơn 16 tỷ đồng để trả lãi.

Về Casper Việt Nam, theo dữ liệu mà Công ty nghiên cứu thị trường GfK công bố hồi tháng 2/2023, Casper chiếm 16% thị phần máy điều hòa trong nước, đứng thứ ba sau Panasonic và Daikin. Trong khi đó, ở mảng tivi, thương hiệu này đứng vị trí thứ 5.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của Casper ảm đạm trong bối cảnh ngành điện máy không mấy tươi sáng do ảnh hưởng của lạm phát khiến sức mua giảm. Nhiều chuỗi bán lẻ điện máy lớn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động, FPT Retail, Digiworld,... đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý IV/2022.

Bạch Hiền (t/h)