Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội

Cầu Thăng Long có 2 tầng, một tầng đường bộ, một tầng đường sắt, thi công hết 11 năm. Đây được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô.

Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội- Ảnh 1.

Năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất, Đảng và Nhà nước ta quyết định xây dựng cầu Thăng Long - cây cầu thứ hai bắc qua sông Hồng ở Hà Nội sau cầu Long Biên cách đó 11 km. Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng vào tháng 11-1974 và chính thức khánh thành vào tháng 5-1985. Đây được xem là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Xô.

Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội- Ảnh 2.

Tại thời điểm hoàn thành, cầu Thăng Long có 2 tầng. Tầng trên dành cho ô tô, xe máy và các loại phương tiện khác; tầng dưới dành cho đường sắt. Chiều dài cầu đường sắt hơn 5 km; cầu đường bộ cho ô tô dài trên 3,1 km; cầu đường xe thô sơ dài 2,6 km. Tổng chiều dài của toàn bộ cầu xấp xỉ 10,7km, dài nhất trong những cây cầu tại Việt Nam lúc đó.

Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội- Ảnh 3.

Không chỉ nổi bật với chiều dài mà công nghệ xây dựng cũng được đánh giá là hiện đại bậc nhất vào thời điểm bấy giờ. Để hoàn thành cầu Thăng Long là cả một quá trình nhiều chông gai, thậm chí từng có lo ngại dự án sẽ không thể xây dựng được. Đây cũng chính là lý do khiến cầu Thăng Long vẫn đang nắm giữ kỷ lục về thời gian xây dựng dài nhất, khoảng 11 năm.

Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội- Ảnh 4.

Dù gian nan xây dựng, nhưng sau khi khánh thành cầu Thăng Long lại rơi vào tình trạng vắng vẻ do lượng người và phương tiện đi qua không nhiều. Nguyên nhân do phương tiện phổ biến của người dân Hà Nội cũng như các địa phương là xe đạp (xe máy rất ít và ô tô lại càng hiếm).

Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội- Ảnh 5.

Trong khi cầu Thăng Long là công trình xây dựng kiên cố, hiện đại, phù hợp với ô tô, xe máy nên nhu cầu sử dụng cầu lúc này không lớn. Hơn nữa, phía dưới sông Hồng, gần ngay khu vực có cầu Thăng Long, bến phà Chèm vẫn đang hoạt động.

Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội- Ảnh 6.

Tuy nhiên, chỉ sau một năm khánh thành, năm 1986 nước ta bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện. Công cuộc đổi mới mang lại những thành quả to lớn, nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao, từ đó phương tiện cơ giới được mua sắm nhiều hơn, những chuyến bay lên xuống sân bay Nội bài ngày một lớn. Những dòng xe máy, ô tô đi qua cầu Thăng long đến sân bay cũng ngày càng nhiều.

Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội- Ảnh 7.

Từ đó đến nay, trải qua gần 40 năm khai thác, vai trò, giá trị của cầu Thăng Long đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung càng thể hiện một cách rõ rệt.

Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội- Ảnh 8.

Cũng theo thời gian, cầu Thăng Long nhiều lần xuống cấp. Đến nay, cầu đã trải qua nhiều lần đại tu và hàng chục lần sửa chữa nhỏ với kinh phí cả trăm tỷ đồng. Trong lần đại tu năm 1999, đơn vị thi công đã cào bóc lớp trên và thảm phủ lớp bê tông nhựa mới. Năm 2009, mặt cầu Thăng Long được thay thế lớp phủ bằng công nghệ vật liệu SMA. Nhưng chỉ sau 2 tháng, mặt cầu lại hư hỏng và phải sửa chữa lớn vào những năm 2011-2012. Gần đây nhất, vào tháng 8/2020, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long quy mô lớn được khởi công với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, trong lần đại tu thứ 3, cầu Thăng Long được bóc sạch lớp bê tông, lớp keo dính... để phủ lại bề mặt bằng công nghệ mới.

Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội- Ảnh 9.

Cầu Thăng Long là cây cầu có nhiều nét đặc thù, tham gia vào tất cả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội. Cây cầu này không chỉ là cầu dành cho ô tô mà còn tích hợp cả cầu đường sắt, cầu hỗn hợp dành cho các loại xe thô sơ.

Cầu vượt sông 2 tầng duy nhất, thời gian thi công lâu nhất ở Hà Nội- Ảnh 10.

Hiện tại, nhiều cây cầu mới khác được xây dựng vượt qua sông Hồng như Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng cầu Thăng Long vẫn có một vẻ đẹp riêng và là chiếc cầu hữu nghị nối liền Thủ đô với sân bay Nội Bài, cửa ngõ quan trọng đưa khách quốc tế đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.


 

Ngọc Đẹp

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT