CEO VinFast toàn cầu nói gì khi vốn hóa vượt mức 85 tỷ USD ngày chào sàn Mỹ?

Theo Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu, sở dĩ giá trị vốn hóa VinFast tăng cao trong đợt này là do công ty đưa ra số lượng cổ phiếu lưu hành không nhiều.

Sáng nay 16/8 (theo giờ Việt Nam), bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu, từ Mỹ đã có buổi trao đổi trực tuyến với giới báo chí Việt Nam nhân sự kiện VinFast chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Cổ phiếu VFS của VinFast đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên (ngày 15/8) với mức giá 37,06 USD/cổ phiếu, tăng 68,4% so với mức giá chào sàn (22 USD). 

Khối lượng khớp lệnh trong phiên đầu tiên đạt mức 6,89 triệu cổ phiếu. Với con số trên, giá trị vốn hóa của hãng xe điện Việt tăng gấp gần 3 lần từ định giá ban đầu là 23 tỷ USD đạt mức 85,5 tỷ USD. Vốn hóa của VinFast lọt top 5 công ty sản xuất xe lớn nhất trên toàn cầu.

ceo-vinfast-toan-cau-noi-gi-khi-von-hoa-vuot-muc-85-ty-usd-ngay-chao-san-my-1692174537.jpeg
Bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc VinFast toàn cầu

Theo bà Thủy, sở dĩ giá trị vốn hóa tăng cao trong đợt này là do VinFast đưa ra cổ phiếu lưu hành đợt này không nhiều, trong khi nhu cầu giao dịch lại rất cao, với số lượng giao dịch tăng lên đến 6,7 triệu cổ phiếu. 

“Với 4,5 triệu cổ phiếu trôi nổi nhưng đã có gần 6,9 triệu cổ phiếu khớp lệnh, có thể thấy có nhà đầu tư đã quay vòng luôn. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy nhu cầu lớn, giúp đánh tan những nghi ngờ về việc công ty tự định giá ở mức 23 tỷ USD. 85 tỷ USD là con số ngoài tưởng tượng trong ngày đầu giao dịch nhưng chúng tôi tin tưởng giá trị VinFast còn hơn thế nữa”, bà Thủy nói.

Về việc tại sao VinFast chọn niêm yết thị trường chứng khoán ở Mỹ mà không phải các thị trường khác, bà Thủy giải thích: "Thị trường Mỹ có tính thanh khoản cao, nguồn vốn lớn và để VinFast huy động được nguồn vốn lớn giúp tiếp tục phát triển xe điện và trở thành công ty toàn cầu".

Bà Thủy khẳng định hành trình đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ là vô cùng chông gai. Ban đầu, ban lãnh đạo VinFast nghĩ việc niêm yết sẽ tiến hành rất nhanh vì các hãng xe điện đang “hot”, thị trường SPAC cũng sôi động. 

Tuy nhiên lúc ấy, VinFast chưa thể “bắt sóng” thị trường vì tại Mỹ, các tiêu chuẩn niêm yết rất cao. Với yêu cầu về báo cáo tài chính, tới tháng 5/2021 công ty mới hoàn thành. Nhưng không may là trước đó, vào tháng 4/2021, thị trường SPAC khủng hoảng.

Để chuẩn bị cho việc lên sàn Nasdaq, từ năm 2021 VinFast đã bổ nhiệm giám đốc đầu tư ở Mỹ, có CFO (giám đốc tài chính), đặc biệt là thực hiện đúng chuẩn mực để đáp ứng yêu cầu cao từ thị trường Mỹ.

Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu cho biết, hiện công ty có 7 mẫu xe điện, trong đó Vfe 34 và VF 5, VF3 phù hợp với thị trường Đông Nam Á. Còn các mẫu còn lại (VF6, VF7, VF8, VF9) ngay từ đầu đã được thiết kế phù hợp với đăng kiểm để vào thị trường Mỹ, châu Âu.

Tuy nhiên qua nghiên cứu và bán hàng tại Mỹ, bà Thuỷ nhận thấy VF3 và VF5 cũng được khách hàng đón nhận. Do đó, công ty sẽ có thay đổi để tận dụng cơ hội thị trường. Ngoài ra, VinFast sẽ mở rộng sang thị trường xe điện Đông Nam Á với dải xe điện hoàn chỉnh, ra mắt thị trường quốc tế các mẫu xe điện tay lái nghịch vào cuối năm nay.

Tổng giám đốc toàn cầu của VinFast đánh giá thị trường Mỹ rất tiềm năng do nhu cầu chuyển từ xe xăng sang xe điện là rất lớn, trong khi công ty xe điện có tiềm lực lại không nhiều. Do đó, VinFast tự tin đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, dịch vụ cực tốt. 

Theo bà Thuỷ, VinFast có dải sản phẩm đặc biệt với 7 sản phầm khác nhau, 4 sản phẩm đã ra mắt tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra còn có xe buýt, xe máy..., một dải sản phẩm xe điện mà không có nhiều công ty có được. Cùng với đó là khả năng sản xuất vượt trội. 

"Hiện trên thế giới ngoài VinFast thì chỉ có Tesla có khả năng sản xuất thực sự, các công ty khác gặp rất nhiều thách thức về chuỗi cung ứng”, nữ CEO nói.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT