CEO VPBank: Kỳ vọng ‘gà đẻ trứng vàng’ FE Credit lãi 1200 tỷ đồng năm 2024

FE Credit năm ngoái lỗ 3.700 tỷ, ảnh hướng đến kết quả lợi nhuận chung của VPBank. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà băng khẳng định tiềm năng dài hạn của thị trường tài chính tiêu dùng, cùng kế hoạch lãi 1.200 khi kết thúc năm 2024 và 3.000-4.000 tỷ đồng sau năm 2025 của doanh nghiệp này.

Thông điệp này được Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh của VPBank nói trong Đại hội đồng cổ đông của VPBank sáng nay. Từng là "gà đẻ trứng vàng", đóng góp hơn 43% vào tổng lợi nhuận của VPBank trong giai đoạn trước, năm ngoái, FE Credit lỗ 3.700 tỷ đồng, gây áp lực lên kết quả kinh doanh của ngân hàng mẹ.

Ông cho biết, kết quả kinh doanh của FE Credit năm qua không đạt kỳ vọng, dù VPBank tăng trưởng hơn 31% về tín dụng và 37% về huy động.

Tuy nhiên, với quy mô doanh nghiệp chiếm 50% thị phần của thị trường tài chính tiêu dùng, lãnh đạo VPBank nhận định, khó khăn là điều không tránh khỏi trong bối cảnh tài chính tiêu dùng suy giảm do nhu cầu thấp cùng dư luận xã hội tiêu cực.

CEO VPBank gọi ‘gà đẻ trứng vàng’ FE Credit là điểm tối trong hoạt động kinh doanh năm 2023, nhưng kỳ vọng tăng trưởng dài hạn  - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh báo cáo kết quả kinh doanh của VPBank tại Đại hội cổ đông. Ảnh: VPBank

Điểm sáng trong bức tranh tối màu là danh mục cho vay trên 50.000 tỷ đồng của doanh nghiệp này đang được cơ cấu dần để chặn đà suy giảm kinh doanh.

"Tăng trưởng giải ngân quý I của FE Credit đạt hơn 20%, tỷ lệ nợ xấu từ trên 20% xuống dưới 20%. Đồng thời sự hỗ trợ của SMBC mang lại nguồn vốn rẻ hơn cho ngân hàng", ông Vinh nói.

Bên cạnh đó, VPBank với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược SMBC – đang sở hữu 40% cổ phần tại FE Credit sẽ tiếp tục tái cơ cấu, giảm chi phí hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng này trong thời gian tới. Trước đây, chi phí vốn của FECredit ở mức 9-10%. Hiện, mức này được cải thiện xuống hơn 6%, cao hơn ngân hàng, song khả quan nếu so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Ngoài giảm chi phí, ứng dụng công nghệ cũng là một trong những hành động được ông Vinh nhấn mạnh nhằm giúp FE Credit thoát lỗ trong thời gian tới.

"Chúng tôi đã có lộ trình bù lỗ cho FE Credit. Dự kiến năm nay, doanh nghiệp này có thể lãi hơn 1.200 tỷ đồng. Lợi nhuận các năm tiếp theo, từ 2025 trở đi có thể rơi vào mức 3.000-4000 tỷ đồng", ông Vinh cho biết và nói thêm, trước đây lợi nhuận doanh nghiệp Top 1 thị phần tài chính tiêu dùng này thường đóng góp 40% vào lợi nhuận ngân hàng mẹ, tuy nhiên, VPBank muốn đa dạng hóa nguồn thu, giảm phụ thuộc.

"Song, FE Credit vẫn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi", người điều hành VPBank khẳng định.

Sau năm 2023 không đạt được mục tiêu đã đề ra, năm 2024, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm trước. Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 20.709 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit là 1.200 tỷ đồng, của Chứng khoán VPBank (VPBS) là 1.902 tỷ đồng và của Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh trong quý I/2024, ngân hàng tăng trưởng tín dụng 2,2%, tăng trưởng huy động 1,4%, lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.200 tỷ đồng (do ảnh hưởng âm 800 tỷ đồng FE Credit).

Thảo Vân

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT