Cha con ông Trần Quí Thanh nộp đơn kháng cáo

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh 8 năm tù; Trần Uyên Phương 4 năm tù; Trần Ngọc Bích 3 năm tù cho hưởng án treo (thời gian thử thách 5 năm) cùng về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

photo-1716369331208

Ảnh: Thanh Tùng

Theo thông tin trên Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, mới đây, ông Trần Quí Thanh và con gái là Trần Uyên Phương đã có đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, sáng 25-4, TAND TP HCM đã tuyên án sơ thẩm đối với bị cáo Trần Quí Thanh (cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát) và hai con gái là Trần Uyên Phương (SN 1981), Trần Ngọc Bích (SN 1984).

HĐXX cho biết bên cạnh việc xem xét hành vi phạm tội, toà án còn áp dụng các tình tiết tăng nặng (phạm tội hai lần trở lên). Cùng với đó, áp dụng những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo như: có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu; chủ động tác động người thân nộp hơn 183 tỉ đồng khắc phục hậu quả; thực tế các bị cáo chỉ chiếm đoạt tài sản của bị hại trên giấy tờ, hiện tài sản này vẫn do bị hại sử dụng; các bị cáo có đóng góp cho việc phát triển kinh tế, xã hội; Phương và Bích phạm tội phụ thuộc theo chỉ đạo của bố...

Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quí Thanh 8 năm tù; Trần Uyên Phương 4 năm tù; Trần Ngọc Bích 3 năm tù cho hưởng án treo (thời gian thử thách 5 năm) cùng về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

HĐXX nhận định bị cáo Trần Quí Thanh là người phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án và phải chịu trách nhiệm với toàn bộ giá trị tài sản chiếm đoạt. Qua quá trình xét xử, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Theo Bản án sơ thẩm, HĐXX nhận định về bản chất của vụ án, cha con ông Trần Quí Thanh thực hiện giao dịch dân sự về vay tiền đối với 4 bị hại Lâm Sơn Hoàng, Nguyễn Huy Đông, Nguyễn Văn Chung và Đặng Thị Kim Oanh là không trái pháp luật.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc vay tiền và lãi phát sinh, các bị cáo đã thỏa thuận kí kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản, đây là các hợp đồng giả tạo, trái pháp luật và sau khi nhận được các quyền tài sản từ bị hại (người vay tiền) thì các bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt nên đã dùng thủ đoạn gian dối, nại ra lí do để từ chối thanh toán làm cho bên vay không thể nhận lại tài sản. Từ đó, các bị cáo đã chiếm đoạt tài sản là phần trị giá tài sản chênh lệch so với số tiền gốc mà bị hại đã vay chưa trả.

HĐXX xác định, các bị cáo đã chiếm đoạt của 4 bị hại là bà Đặng Thị Kim Oanh, ông Nguyễn Văn Chung, ông Lâm Sơn Hoàng, ông Nguyễn Huy Đông tổng số tiền 1.048 tỷ đồng.

PV

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT