Chân dung 9X vừa làm Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai

Để phù hợp với luật doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai Lê Thanh Thuấn đã từ nhiệm. Người kế nhiệm ông Thuấn là con trai út Lê Tuấn Anh (SN 1994).

Cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Sao Mai (MCK: ASM) là bà Lê Thị Nguyệt Thu và ông Lê Thanh Thuấn đồng loạt có đơn từ nhiệm.

chan-dung-9x-vua-lam-tong-giam-doc-tap-doan-sao-mai-antt-1686129886.PNG
Bà Lê Thị Nguyệt Thu và ông Lê Thanh Thuấn đồng loạt có đơn từ nhiệm nhằm đáp ứng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Ảnh minh họa

Lý do mà bà Thu và ông Thuấn đưa ra là “nhằm đáp ứng theo quy định tại điểm b, Khoản 5, Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021. Trong đó, điểm b, Khoản 5, Điều 162 quy định: “Giám đốc, Tổng Giám đốc công ty đại chúng, doanh nghiệp Nhà nước không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ”.

Trong khi đó, tại Tập đoàn Sao Mai, bà Nguyệt Thu được biết đến là con ruột của Tổng giám đốc Lê Thanh Thuấn.

Sau khi bà Thu và ông Thuấn đồng loạt từ nhiệm để đáp ứng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, vị trí Chủ tịch HĐQT được chuyển sang ông Lê Văn Thành. Ông Thành là em ruột của ông Thuấn.

Còn người kế nhiệm ông Thuấn làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai là ông Lê Tuấn Anh (SN 1994). Tân CEO của Tập đoàn chính là con út của ông Thuấn.

Ông Lê Tuấn Anh là cử nhân kinh tế, được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai từ tháng 7/2021.

Tiền thân của Tập đoàn Sao Mai (trước đây là CTCP đầu tư và xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang) là Công ty liên doanh Kiến trúc tỉnh An Giang, được thành lập theo Quyết định số 000450/GP/TLDN-03 ngày 5/2/1997 của UBND tỉnh An Giang với vốn điều lệ ban đầu là 905 tỷ đồng.

Năm 2010, cổ phiếu ASM của doanh nghiệp chính thức được giao dịch trên sàn HoSE.

Hiện tại, Tập đoàn Sao Mai có vốn điều lệ hơn 3.365 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính của ASM là kinh doanh bất động sản, xây dựng, dịch vụ nhà hàng, thủy sản, điện năng lượng mặt trời.

Các dự án tiêu biểu của Sao Mai phải kể đến là: Chuỗi khu đô thị cao cấp Sao Mai – Bình Khánh, Khu đô thị Sao Mai – Lấp Vò và các dự án bất động sản khác tại Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Thanh Hoá, Đồng Tháp, Hòa Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bên cạnh đó, công ty còn đầu tư vào các dự án điện mặt trời tại An Giang.

Gia đình ông Lê Thanh Thuấn nắm giữ 48,09% tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn Sao Mai.

Báo cáo tài chính quý I/2023 của Tập đoàn Sao Mai ghi nhận doanh thu đạt 3.050,41 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 85,89 tỷ đồng, giảm 73,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 16,2% về còn 12,5%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 26,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 138,54 tỷ đồng, về 379,83 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 71%, tương ứng giảm 72,17 tỷ đồng, về 29,53 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 82,4%, tương ứng tăng thêm 90,62 tỷ đồng, lên 200,54 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 23,9%, tương ứng giảm 36,61 tỷ đồng, về 116,69 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, lợi nhuận quý đầu năm lao dốc bên cạnh lợi nhuận gộp giảm, Công ty hụt doanh thu tài chính và đặc biệt chi phí tài chính tăng cao.

Lý giải cho chi phí tài chính tăng đột biến, Công ty cho rằng đã vay thêm để trả đầu tư Nhà máy điện năng lượng mặt trời An Hảo giai đoạn 3, 4.

Tính tới ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Tập đoàn Sao Mai tăng 1,9% so với đầu năm, lên 19.442,8 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 6.769,1 tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 4.496,8 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 3.118,2 tỷ đồng, chiếm 16% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Ngoài ra, tính tới cuối quý I/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 2,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 226,9 tỷ đồng, lên 10.047,3 tỷ đồng và bằng 126,8% vốn chủ hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 5.610,9 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 4.436,4 tỷ đồng.

Về chính sách cổ tức, năm 2022, Tập đoàn Sao Mai thông qua kế hoạch không trả cổ tức, dùng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bước sang năm 2023, mức cổ tức dự kiến từ 5% đến 10%.

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT