Chân dung đại gia Thái Lan muốn làm Trung tâm điện khí LNG 1500-3000 MW tại Nam Định

Tập đoàn năng lượng Gulf là một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tư nhân hàng đầu của Thái Lan được thành lập từ năm 2011 với các dự án điện bao gồm cả truyền thống lẫn năng lượng tái tạo.

Gulf Energy – doanh nghiệp đến từ Thái Lan mới đây đã thể hiện mong muốn khảo sát và đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG có công suất từ 1500 đến 3000 MW cùng một kho cảng LNG tại tỉnh Nam Định, hợp tác với Tập đoàn Taekwang của Hàn Quốc. Đánh giá về sự phù hợp của tỉnh Nam Định trong việc đầu tư dự án, đồng thời việc miền Bắc Việt Nam đã từng xảy ra tình trạng thiếu điện trong giai đoạn cao điểm là những yếu tố để tập đoàn đề xuất chủ trương xây dựng trung tâm điện khí và kho cảng nêu trên. 

Dự án phù hợp với Quy hoạch Kinh tế - Xã hội của Nam Định trong giai đoạn 2021 – 2030 và nhận được sự ủng hộ lớn tới từ các lãnh đạo tỉnh.

Trong những năm qua, nhiều giấy chứng nhận đầu tư đã được trao cho những doanh nghiệp nước ngoài với nhiều dự án có vốn đầu tư được ước tính lên tới hàng tỷ USD. Bên cạnh những dự án điện gió ngoài khơi nổi bật của công ty STS (Hàn Quốc) và AHK Việt Nam (Đức), lĩnh vực điện khí LNG tại nước ta đang thu hút sự chú ý từ Tập đoàn Năng lượng Gulf tới từ Thái Lan, với mục tiêu là các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc của Việt Nam.

Tập đoàn năng lượng Gulf là một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tư nhân hàng đầu của Thái Lan được thành lập từ năm 2011 với các dự án điện bao gồm cả truyền thống lẫn năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cung cấp và phân phối khí tự nhiên, phát triển cơ sở hạ tầng và kinh doanh tiện ích trên nền tảng kỹ thuật số. Ngoài việc kinh doanh, Gulf tìm kiếm những cơ hội đầu tư vào các công ty trong ngành nhằm mở rộng thị phần ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. Hiện tại, công ty sở hữu nhiều nhà máy điện tại 5 quốc gia gồm Thái Lan, Việt Nam, Oman, Mỹ và Đức với công suất cam kết đến năm 2027 là trên 15.000 MW, bao gồm điện khí, điện gió, điện mặt trời…

photo-1705713423493

Tập đoàn Năng lượng Gulf dần chuyển hướng sang năng lượng tái tại (Ảnh: Gulf Energy)

Năm 2017, công ty đưa cổ phiếu của mình lên giao dịch trên Sàn Giao dịch chứng khoán của Thái Lan. Ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu của công ty hiện được giao dịch ở mức giá 45 THB/ cổ phần (1.29 USD) và là một trong những cấu phần của chỉ số SET50 và MSCI Thái Lan, cho thấy chỉ trong vòng 6 năm, doanh nghiệp đã cải thiện vị thế của mình lên rất nhiều.

Năm 2022, doanh thu của tập đoàn Năng lượng Gulf đạt trên 101 tỷ THB (tương đương 2,9 tỷ USD – tăng gần gấp đối so với năm 2021) cùng mức lợi nhuận vào khoảng 14 tỷ THB (401 triệu USD), tăng trưởng 56% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu của họ đến từ kinh doanh chính là mua bán điện (chiếm 88%); các mảng khác mặc dù đều có tăng trưởng song đóng góp vào tổng thu nhập của doanh nghiệp vẫn khá khiêm tốn.

Việc mở rộng kinh doanh ra ngoài Thái Lan với hàng loạt dự án lớn đã giúp doanh thu của tập đoàn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Công ty cũng đã có những hợp đồng mở rộng sang các quốc gia mới, nổi bật nhất là Lào với hai nhà máy thuỷ điện đã được ký biên bản ghi nhớ cùng năm.

photo-1705713481211

Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Năng lượng Gulf từ năm 2020 đến năm 2022 là rất tích cực (Ảnh: Gulf Energy)

Việc mở rộng của tập đoàn Năng lượng Gulf tại Việt Nam đã diễn ra từ năm 2018, khi họ mua 49% cổ phần của hai dự án năng lượng mặt trời GTN1 và GTN2 tại Tây Ninh với tổng công suất gần 120 MW, trước khi năng lên mức 90% vào 1 năm sau đó.

Cùng năm, doanh nghiệp cũng mua lại 2 trang trại điện gió với giá khoảng 200 triệu USD tại Gia Lai với công suất 50 MW mỗi dự án. Năm 2020, tập đoàn tiếp tục đầu tư một dự án nữa tại Bến Tre thông qua Công ty Cổ phần Điện gió Mê kông với công suất ước tính khoảng 128 MW bao gồm 31 trụ điện gió. Với số lượng dự án đã tham gia ở Việt Nam nhiều như vậy, Tập đoàn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội đầu tư vào mảng điện khí LNG tại nước ta trong năm 2023 với mục tiêu chính là các tỉnh miền Bắc.

photo-1705713482088

Gulf Energy làm việc với tỉnh Nam Định về dự án điện khí và kho cảng LNG (Ảnh: ERAV)

Cụ thể trong năm ngoái, đại diện của Tập đoàn tại Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với UBND tỉnh Thanh Hoá về việc triển khai dự án điện khí và năng lượng tái tạo tại đây.

Với những dự án điện được triển khai trên nhiều nước và kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam trong hơn 5 năm qua, Gulf Energy được dự báo sẽ tiếp tục triển khai thêm các công trình khác về năng lượng tại nước ta trong tương lai. Với dự án tại tỉnh Nam Định, nếu được cấp phép đầu tư, Gulf Energy sẽ xây dựng một nhà máy và kho lưu trữ nhằm góp phần ổn định tình hình điện năng tại khu vực miền Bắc trong mùa cao điểm, qua đó hỗ trợ việc sản xuất kinh doanh tại đây một cách bền vững hơn.

Tiến Đạt

An ninh Tiền tệ - Tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật

MỚI CẬP NHẬT