Chân dung kiều nữ 9x điều hành loạt khách sạn thương hiệu Silk Path
Mặc dù nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, du lịch với thương hiệu “Silk Path” nhưng bà Bùi Tú Phương lại khá kín tiếng với truyền thông.
Với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, Silk Path Grand Resort & Spa Sapa là khu nghỉ dưỡng đầu tiên tại Sapa (Lào Cai) đạt tiêu chuẩn 5 sao. Khu nghỉ dưỡng còn cung cấp nhiều tiện nghi như nhà hàng, bể bơi trong nhà, spa, quán cafe...và rất gần các điểm tham quan nổi tiếng trên địa bàn như: Fansipan, hồ Sapa, bản Cát Cát...
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH Đầu tư du lịch nghỉ dưỡng Puscamcap Sapa - đơn vị sở hữu Silk Path Grand Resort & Spa Sapa, được thành lập từ tháng 9/2018, ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Đến tháng 12/2018, vốn điều lệ của công ty là 102 tỷ đồng; chủ doanh nghiệp là Công ty CP Hóa chất nhựa (Plaschem). Đây là doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Bùi Tố Minh- Chủ tịch HĐQT Plaschem.
Ngoài Silk Path Grand Resort & Spa Sapa, nhiều khách sạn cao cấp mang thương hiệu "Silk Path" tại Hà Nội, Huế và TP.HCM được phát triển bởi một loạt các pháp nhân liên quan tới ông Bùi Tố Minh.
Được biết, bà Bùi Tú Phương (SN 1992)- con gái của Chủ tịch Bùi Tố Minh là giám đốc và người đại diện pháp luật tại chuỗi khách sạn Silk Path.
Đáng chú ý phải kể đến Công ty TNHH Khách sạn Silk Path. Tính đến tháng 7/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ 690 tỷ đồng. Trong đó, bà Bùi Tú Phương- Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, góp 6,9 tỷ đồng, tương ứng 1% vốn doanh nghiệp. Ông Bùi Tố Minh- Chủ tịch HĐQT, sở hữu 99% vốn điều lệ còn lại, tương ứng giá trị vốn góp 683,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Phương còn đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại CTCP Du lịch Xanh - Huế Vneco, đơn vị có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, du lịch với Khách sạn Xanh (địa chỉ: số 2 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Doanh nghiệp này vốn là thành viên của Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (MCK: VNE). Tháng 6/2018, VNE đã thoái hết 99,86% vốn của Du lịch Xanh - Huế Vneco cho nhóm các nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH Khách sạn Silk Path, bà Bùi Tú Phương và ông Tạ Đàm Hưng.
Sau giao dịch, Xây dựng điện Việt Nam đã thu về gần 280 tỷ đồng, tương đương với giá chuyển nhượng 13.499 đồng/cổ phiếu.
Quay trở lại với bà Bùi Tú Phương, năm 2021, bà Phương đại diện Công ty TNHH Khách sạn Silk Path tiến hành liên danh với Công ty CP Đầu tư du lịch Bình Định, Công ty TNHH Xuân Cầu thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP đầu tư Bờ Biển Vàng để thực hiện dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Dự án có diện tích 130ha, trong đó khu đô thị 57,7ha, khu du lịch sinh thái rộng 72,3ha; được đầu tư xây dựng khu đô thị và du lịch sinh thái bao gồm khu biệt thự, biệt thự du lịch, khách sạn, resort, bungalow, công viên… Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2020 - quý IV/2025.
Tuy giữ nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, du lịch với thương hiệu “Silk Path” đình đám nhưng bà Bùi Tú Phương lại khá kín tiếng với truyền thông.
Được biết, các doanh nghiệp hình thành nên thương hiệu “Silk Path” là một "nhánh" trong "hệ sinh thái" đa ngành của doanh nhân Bùi Tố Minh- đại gia ngành nhựa có tiếng ở phía Bắc.
Trong đó, hạt nhân cốt lõi là Công ty CP Hóa chất nhựa (Plaschem). Plaschem được thành lập từ tháng 10/1999, đăng ký địa chỉ trụ sở tại tòa nhà Plaschem (số 562, Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Tố Minh.
Ngoài Plaschem gắn liền với tên tuổi, ông Minh còn là người đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐQT hoặc cổ đông sở hữu cổ phần chi phối tại Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Nghỉ dưỡng Pusamcap Sapa, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path, CTCP Golf Silk Path, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng hạ tầng Duy Tiên, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển hạ tầng Plaschem.
Ngoài ra, ông Bùi Tố Minh còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Muối (Sal Traco)- chủ đầu tư dự án liền kề Greenpark Vĩnh Hưng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Vị đại gia ngành nhựa này cũng khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản với thương vụ chuyển nhượng “đất vàng” 93 Đức Giang (phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) cho CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Thế Kỷ (Cen Invest).
Cụ thể, tháng 1/2020, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 398/QĐ-UBND về việc cho phép Plaschem chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu nhà ở, dịch vụ thương mại và văn phòng Plaschem tại số 93 phố Đức Giang cho Cen Invest. Dự án này có quy mô sử dụng đất khoảng 4,1ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.480,7 tỷ đồng.